Kết thúc phiên sáng 13/4, sắc xanh của các mã cổ phiếu đã chiếm áp đảo với 210 mã tăng trên sàn HoSE, trong khi đó chỉ có 125 mã giảm. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu hàng không và dầu khí tiếp tục giữ nhịp giao dịch tích cực. Đến 11 giờ sáng 13/4, cổ phiếu PVB được kéo lên mức giá trần, tăng gần 9%. PVD tăng 6,5%, POW tăng 4,3%, PVS tăng 2,5%, BSR tăng 1,7%.
VJC và HVN cùng đạt mức giá trần, nằm trong nhóm những cổ phiếu tăng tốt nhất thị trường. Thanh khoản hai sàn niêm yết đạt hơn 2.700 tỷ đồng, ở mức trung bình so với những phiên tuần trước.
Chốt phiên giao dịch sáng 13/4, HNX-Index tăng 1,19 điểm (+1,12%), lên 107,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,77 triệu đơn vị, giá trị 263,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 39,79 tỷ đồng.
Một số bluechip cũng giao dịch khởi sắc như: ACB +1,5% lên 20.100 đồng/cổ phiếu, PVS +1,6% lên 12.400 đồng/cổ phiếu, DGC +2,7% lên 22.900 đồng/cổ phiếu… Trong đó, PVS vẫn có khối lượng giao dịch vượt trội đạt hơn 5 triệu đơn vị; tiếp theo là SHS và SHB lần lượt khớp 2,64 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị. Trái lại, một số mã lớn khác đã chốt lời và quay đầu điều chỉnh nhưng biên độ giảm không quá lớn như PVI, VCS, VCG…
Chốt phiên giao dịch sáng 13/4, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,46%), lên 50,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,77 triệu đơn vị, giá trị 89,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 430 triệu đồng.
Theo ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty CP chứng khoán Dầu khí, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam đã có chuỗi điều chỉnh mạnh nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng kinh tế năm 2008, VN-Index mất hơn 300 điểm, đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, đã ảnh hưởng mạnh lên kinh tế thế giới và đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
“Cùng với việc các nước trên thế giới đưa ra các biện pháp cấp bách để kiểm soát và khoanh vùng dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam cũng đã triển khai quyết liệt các biện pháp giãn cách xã hội cũng như hạn chế tối thiểu khả năng lây nhiễm chéo. Đây có thể là là tác động chính sách tích cực nhất mang lại niềm tin cho người dân và cũng sẽ giúp tâm lý người dân, nhà đầu tư tốt hơn”, ông Lê Đức Khánh nói.
Nếu như thị trường trong nước trong những phiên giao dịch gần đây, đi ngược với sự hăng hái của nhà đầu tư cá nhân trong nước thì khối ngoại cũng như các tổ chức đầu tư lại tỏ ra khá thờ ơ với triển vọng của thị trường. Thậm chí, khối nhà đầu tư nước ngoài còn tranh thủ bán ròng để hồi phục đà tăng trưởng. Cụ thể, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng qua khớp lệnh trên sàn và Quỹ ETF VanEck bị rút ròng hơn 100 tỷ đồng trong tuần qua.
Tuy nhiên theo ông Lê Đức Khánh, mặc dù khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3 và kể cả nửa đầu tháng 4/2020 nhưng khối nhà đầu tư trong nước đã chấp nhận mua vào mạnh mẽ. Dòng tiền mới, dòng tiền cũ được đẩy vào thị trường. Nhiều nhà đầu tư mới đã nhìn thấy cơ hội mua vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay: Ngày 31/3 có gần 2,44 triệu tài khoản chứng khoán, tăng 32.140 tài khoản so với cuối tháng 2. Trong đó, tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước tăng 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng 117, cao nhất từ thời điểm tháng 3/2017. Dòng tiền nội đứng ngoài thị trường rất lớn nên lực cầu khối nhà đầu tư trong nước có tiềm năng tham gia giải ngân mới sẽ khiến thị trường chứng khoán phục hồi ổn định hơn để đối trọng với việc khối nhà đầu tư nước ngoài bán ra.
Ông Lê Đức Khánh cũng cho rằng: Để góp phần tăng trưởng nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam còn quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công. Các dự án đầu tư công phần nào hứa hẹn kích thích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ khó khăn, động lực khiến thị trường chứng khoán khởi sắc có diễn biến khởi sắc. Chính phủ cũng tung ra các gói cứu trợ, những chương trình hạ lãi suất thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các lĩnh vực như xây dựng - xây lắp, khu công nghiệp sẽ được tập trung đẩy mạnh hoạt động.
“Thị trường chứng khoán thời gian tới phụ thuộc rất nhiều về sự kiểm soát dịch bệnh trên thế giới tại các điểm nóng như Mỹ, Italy, Nhật, Đức, Tây Ban Nha... v̀à đặc biệt là Việt Nam. Nếu các biện pháp kiểm soát mang lại hiệu quả, cùng với phác đồ điều trị chữa trị hiệu quả thì chúng ta có thể lạc quan dự báo đến trong quý II/2020 sẽ hết dịch. Tôi vẫn nghiêng về kịch bản thị trường sẽ phục hồi dần và vận động biên độ hẹp tại khu vực 800 điểm với biên độ +/-20 điểm trong vòng 1 - 2 tháng trước khi hồi phục trở lại về vùng 850 - 900 ở giai đoạn cuối năm”, ông Lê Đức Khánh nhận định.
Một số ý kiến cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đang tốt nên, đà hồi phục của chỉ số chứng khoán có thể sẽ còn tiếp diễn trong ngắn hạn. Sự rung lắc nếu có xảy ra cũng chưa đủ khiến chỉ số giảm mạnh trở lại, bởi sự chủ động của bên mua ở các vùng giá dưới vẫn còn lớn.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng chưa hoàn toàn biết được diễn biến thị trường chứng khoán cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh; tác động của dịch bệnh đối với tổng thể nền kinh tế cũng như doanh nghiệp niêm yết ở trên sàn. Do vậy, cần phải mất khoảng 1 quý thì các kết quả kinh doanh trong đợt dịch bệnh vừa qua mới được phản ánh. Có lẽ chưa nên đánh giá việc cổ phiếu đã giảm về mức tương đối hấp dẫn”, chuyên gia chứng khoán Lê Ngọc Nam, Phó trưởng Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) dự đoán.
Dự báo diễn biến thị trường chứng khoán tuần này, ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu VCBS cho hay: Áp lực bán ròng mạnh sẽ diễn ra liên tục từ nhà đầu tư ngoài nước với tính chất cơ cấu lại danh mục vẫn đang hiện hữu đã góp phần gia tăng áp lực tâm lý lên nhà đầu tư nói chung và hạn chế triển vọng hồi phục của thị trường. Mặt khác, áp lực chốt lời từ dòng tiền bắt đáy trong tuần trước cũng gia tăng đáng kể khi chỉ số VN Index vượt lên trên 750 điểm. Thị trường có thể trải qua một vài nhịp “rung lắc” và thậm chí là điều chỉnh giảm.
Còn ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam lại nghiêng về kịch bản đi ngang và không loại trừ rủi ro điều chỉnh của chỉ số trong tuần tới bởi áp lực chốt lời sẽ gia tăng khi chỉ số và nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn đã tiến sát vùng kháng cự mạnh; thị trường sẽ bắt đầu cảm nhận rõ rệt hơn những hệ lụy của dịch bệnh COVID-19 tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2020 cũng như những chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế; áp lực bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ chưa thể lắng xuống do tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, còn quá sớm để kết luận Việt Nam đã kiểm soát hoàn toàn tình hình dịch bệnh.