Cùng đó, theo giới phân tích, việc khối ngoại liên tục mua ròng trở lại, đặc biệt trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp cho thấy bối cảnh vĩ mô, cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời áp lực lạm phát hiện hữu vẫn sẽ là các yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm trong giai đoạn này.
Nhiều cơ hội chọn lọc đầu tư
Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, điểm nhấn tích cực trong tuần qua là đã có những cổ phiếu đầu tiên, cụ thể là VGC đang vượt đỉnh giá lịch sử ở thời điểm thị trường tạo đỉnh tháng 4/2022, dù VN-Index mới phục hồi khoảng 10% từ đáy. Điều này cũng mang đến những kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư đối với các công ty vẫn duy trì tăng trưởng trên thị trường, thu hút thêm dòng tiền đầu tư.
Kể từ sau khi thiết lập được mức đáy quanh 1.140 điểm vào đầu tháng 7/2022, thị trường đã có liên tiếp 5 tuần hồi phục lên tiếp và hiện đã vượt qua được ngưỡng 1.260 điểm. Do đó, xu hướng trong ngắn hạn của thị trường vẫn nghiêng về tích cực và chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.260-1.285 điểm trong thời gian tới.
Xét về góc nhìn trung và dài hạn, thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì, qua đó có nhiều cơ hội chọn lọc đầu tư.
Nhà đầu tư có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022, đã có báo cáo quý II/2022 duy trì kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng, SHS khuyến nghị.
Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư đã xuất hiện khi VN-Index vượt lên vùng 1.260 điểm, chỉ số đã giao dịch trong trạng thái giằng co khi chạm đến ngưỡng này vào các phiên ngày 9 và 10/8.
Phiên 11/8 đã xuất hiện diễn biến làm khá nhiều nhà đầu tư bất ngờ khi VN-Index bứt phá đầu phiên, tiệm cận 1.270 điểm, nhưng sau đó áp lực chốt lãi đã đẩy chỉ số về sát ngưỡng 1.250 vào cuối phiên. VN-Index hồi phục trong phiên cuối tuần để chốt tuần trong sắc xanh.
Khối ngoại trong tuần mua ròng nhẹ với giá trị gần 96 tỷ đồng. HDB là cổ phiếu được khối này mua mạnh nhất với giá trị 156 tỷ đồng, tiếp theo là chứng chỉ quỹ VN30 (E1VFVN30) với giá trị 108 tỷ đồng. Chiều bán ròng VNM bị khối ngoại bán mạnh hơn 213 tỷ đồng và là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất.
Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho rằng, xu hướng tăng điểm ngắn hạn và trung hạn vẫn tiếp tục được duy trì. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng đỉnh cũ 1.270 điểm. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này lưu ý kháng cự quan trọng của chỉ số là mức 1.285 điểm.
Ngưỡng 1.250 điểm đang là hỗ trợ tốt cho VN-Index. Chỉ số này đang có mức P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) là 13,4 lần. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức trung tính.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index ghi nhận 1 tuần giao dịch rung lắc, tích lũy quanh khu vực 1.240 -1260 điểm kèm theo sự phân hóa, tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành.
Tuy nhiên, việc thanh khoản có phần sụt giảm vào những phiên cuối tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp của thị trường.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index nối dài chuỗi tăng điểm từ đầu tuần và chạm mốc cao nhất tuần tại 1.267 điểm vào phiên ngày 11/8 sau khi Mỹ công bố CPI giảm xuống 8,5%.
Tuy nhiên, áp lực bán chủ động gia tăng rõ ràng hơn kèm với việc thanh khoản liên tục sụt giảm cho thấy dòng tiền đã suy yếu và trở nên thận trọng hơn nhiều sau chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp của thị trường.
Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí, thép, điện có mức tăng tích cực nhất, xấp xỉ 3%, đóng góp lớn cho đà tăng của chỉ số VN- Index.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (12/8), VN-Index đứng ở mức 1.262,33 điểm, tương ứng tăng 9,59 điểm so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index tăng 3,52 điểm lên 303,42 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 1,52 điểm lên 92,84 điểm.
Khối ngoại tuy giao dịch không còn quá tích cực như các tuần trước đó, nhưng vẫn giữ được trạng thái mua ròng. Cụ thể, dòng vốn này trong tuần từ 8-12/8 mua ròng 14,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 80 tỷ đồng.
Việc khối ngoại liên tục mua ròng trở lại cho thấy bối cảnh vĩ mô cũng như định giá thị trường chứng khoán đang là điểm sáng hấp dẫn trong mắt những nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất và chi phí vốn cao hơn có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp, đồng thời áp lực lạm phát hiện hữu vẫn sẽ là các yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm trong giai đoạn này, VCBS khuyến cáo.
Chứng khoán thế giới đi lên
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng nhiều tuần liên tiếp, trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới cũng liên tục đi lên.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 12/8 tăng điểm, khi các dấu hiệu cho thấy lạm phát đã đạt đỉnh trong tháng Bảy thúc đẩy lòng tin của các nhà đầu tư về xu hướng đi lên của thị trường, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng điểm tuần thứ tư liên tiếp.
Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần tăng 1,27% lên 33.761,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,73% lên 4.280,15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,09% lên 13.047,19 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 17,7% so với mức thấp hồi giữa tháng Sáu, khi số liệu được công bố tuần qua cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng chậm hơn dự kiến và giá của nhà sản xuất bất ngờ dừng tăng trong tháng trước.
Chỉ số S&P 500 đã vượt ngưỡng kỹ thuật 4.231 điểm, phục hồi hơn một nửa mức giảm sau khi lao dốc từ mức đỉnh của mọi thời đại hồi tháng Một. Việc phục hồi 50% là dấu hiệu thị trường đang đi lên.
Trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 3,25%, chỉ số Dow Jones tăng 2,92% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 3,8%.
Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đã có chuỗi tăng điểm theo tuần dài nhất kể từ tháng 11/2021, các nhà phân tích nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế.
Các nhà giao dịch đang nhận định Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất, với 55,5% khả năng nâng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng Chín.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán chiều 12/8 biến động trái chiều, khi giới đầu tư chật vật trong việc kéo dài đà khởi sắc của phiên trước, trước khả năng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường chứng khoán Tokyo tăng 2,6% lên 28.546,98 điểm, khi giới đầu tư quay lại từ một ngày nghỉ lễ và hưởng ứng đà khởi sắc của phiến 11/8. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong cũng tăng 0,5% lên 20.175,62 điểm. Sắc xanh còn được ghi nhận tại các thị trường Seoul, Mumbai, Đài Bắc và Manila.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải lại giảm 0,2% xuống 3.276,89 điểm và nhiều thị trường khác như Sydney, Singapore, Jakarta và Wellington cũng đóng phiên trong vùng giảm điểm.
Trước đó, các thị trường chứng khoán trong khu vực đã có một phiên khởi sắc ngày 11/8 sau khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ phát đi tín hiệu hạ nhiệt trong tháng Bảy, từ đó làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này đã giảm xuống sau khi nhiều quan chức của Fed lên tiếng cảnh báo rằng vẫn còn một chặng đường dài trước khi lạm phát được kiềm chế.
Gần đây nhất, Chủ tịch chi nhánh của Fed tại San Francisco Mary Daly đã phát biểu trên Bloomberg TV rằng số liệu lạm phát tháng Bảy cho thấy tình hình có sự cải thiện, nhưng không phải là chiến thắng.
Bà Mary Daly cho biết có thể ủng hộ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng tới, nhưng không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp nếu số liệu kinh tế cho thấy cần phải làm như thế.