Dù thị giá chưa có nhiều cải thiện so với thời điểm quý I/2022, tuy nhiên, việc thanh khoản tăng mạnh cũng là điểm thu hút giới đầu tư. Vậy, điều gì đang khiến giao dịch của nhóm cổ phiếu này sôi động trở lại?
Trong quý II/2022, cùng với bối cảnh diễn biến thị trường không mấy thuận lợi, giao dịch của nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán cũng đảo chiều giảm mạnh. Thậm chí, không ít cổ phiếu đầu ngành giảm mạnh hơn cả chỉ số VN-Index.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, trong quý II/2022, chỉ số các cổ phiếu ngành tài chính giảm 24,6%; trong đó, chỉ số các công ty chứng khoán giảm tới 44,4% trong điều kiện giá trị giao dịch thấp và chỉ số VN-Index sụt giảm 22%.
Kết quả kinh doanh của 25 công ty chứng khoán (chiếm khoảng 90% doanh thu toàn ngành) theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể trong quý này. Cụ thể, doanh thu ngành trong quý II/2022 đạt 15.878 tỷ đồng đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 12,3% so với quý trước.
Lợi nhuận sau thuế quý II của các công ty này cũng không khả quan với mức giảm lần lượt là 57% so với cùng kỳ và 63,4% so với quý trước. Trong đó, có 7/25 công ty ghi nhận lỗ kế toán.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank IB cho rằng, hầu hết các công ty chứng khoán Việt Nam đều có chỉ số beta cao. Nghĩa là cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường giảm mạnh hơn so với toàn thị trường khi chỉ số bước vào xu hướng giảm và ngược lại.
Ở một số trường hợp, lợi nhuận vẫn tốt, song cổ phiếu các công ty chứng khoán đầu ngành vẫn điều chỉnh nhiều hơn thị trường chung kể từ khi thị trường giảm điểm vào tháng 4. Điều này được thể hiện rõ khi trong quý II/2022, chỉ số các cổ phiếu công ty chứng khoán giảm tới hơn 40% so với đầu năm 2022, còn VN-Index chỉ giảm 22%.
Theo Maybank IB, sự sụt giảm này mang đến cho nhà đầu tư cơ hội hấp dẫn đối với các công ty chứng khoán có nền tảng cơ bản vững chắc và triển vọng đầy hứa hẹn. Cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ những cái tên đem lại hiệu suất đầu tư vượt trội khi thanh khoản cải thiện một khi thị trường chạm đến điểm đảo chiều.
Các công ty chứng khoán cho rằng, mặc dù những bất ổn trên toàn cầu vẫn còn hiện hữu, song rủi ro giảm giá đối với thị trường lúc này là hạn chế và thị trường Việt Nam đang tiến gần đến điểm đảo chiều.
Trong ngắn hạn, các chính sách mới lần lượt có hiệu lực hiện đang được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thanh khoản thị trường chứng khoán phục hồi trở lại. Qua đó, thúc đẩy sự tăng trưởng của các công ty chứng khoán trong những tháng cuối năm.
Chẳng hạn như quy chế giao dịch mới có hiệu lực từ ngày 29/8, giúp nhà đầu tư mua bán cổ phiếu nhanh hơn trước nhờ rút ngắn thời gian giao dịch cổ phiếu và thanh toán. Nhà đầu tư có thể bán chứng khoán vào chiều phiên giao dịch ngày thứ ba (tức T+2,5) thay vì sáng ngày thứ tư (T+3) như trước kia. Tương tự, thời gian hoàn tất thanh toán tiền cũng được đẩy lên vào buổi sáng ngày T+2 thay vì buổi chiều như trước kia.
Một yếu tố khác được kỳ vọng thúc đẩy thanh khoản giao dịch là việc triển khai giao dịch “lô lẻ” trở lại từ ngày 12/9, sau khi HOSE và các công ty chứng khoán liên tục thử nghiệm hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua.
Trước đó, sàn HOSE đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu như là giải pháp tạm thời để giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh diễn ra hồi đầu năm ngoái.
Ngoài ra, cam kết của Chính phủ về một thị trường vốn được quản lý tốt và bền vững hơn; hay hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2022… được cho là động lực chính cho tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các công ty chứng khoán trong thời gian tới.