Theo đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng yêu cầu Grab cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, phía Grab cần cung cấp đầy đủ hợp đồng mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á để Cục có căn cứ đánh giá việc mua lại này theo pháp luật cạnh tranh.
Biểu tượng lựa chọn Uber (trái) và Grab (giữa) trên điện thoại thông minh ở Singapore ngày 26/3. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Công văn của Cục Cạnh tranh được căn cứ vào chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh quy định tại khoản 2, Điều 7 Luật Cạnh tranh. Trong đó, Bộ Công Thương có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế diễn ra trên thị trường.
Cục Cạnh tranh yêu cầu phía Grab gửi toàn bộ tài liệu cũng như hợp đồng mua bán trước ngày 3/4/2018.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, những trường hợp mua bán - sáp nhập (M&A) có ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế. Nếu Cục Cạnh tranh thấy không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Ngày 26/3, Grab Việt Nam đã chính thức phát thông cáo cho biết hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á. Đổi lại, Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab.
Cùng với Việt Nam, một số nước trong khu vực Đông Nam Á có sự hiện diện của Grab cũng tỏ ra
lo lắng trước động thái của hãng taxi này. Tuy nhiên, việc mua lại Uber có vi phạm quy định nào hay không còn chờ vào kết luận của các cơ quan chức năng.