Đâu là điểm đảo chiều của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán?

Thị trường chứng khoán đã có các phiên hồi phục đáng kể, sau khi chỉ số VN-Index rớt dưới mốc 1.200 điểm vào giữa tuần này.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh tư liệu, minh họa: Hứa Chung/TTXVN

Dù hồi phục tích cực, thế nhưng giao dịch của khối ngoại vẫn đang là “nốt trầm” của chứng khoán Việt Nam. Ngay cả những thông tin hỗ trợ tích cực trong tháng 11 như việc FED cắt giảm lãi suất lần thứ 2 (ngày 7/11) hay thông tin các nhà đầu tư ngoại mua cổ phiếu không cần ký quỹ (2/11) cũng không đủ sức kéo khối ngoại quay trở lại mua ròng.

Chứng khoán “chao đảo” vì tỷ giá

Theo thống kê mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), ngoại trừ tháng 1/2024, khối ngoại đã bán ròng 19/20 tháng qua trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 88.000 tỷ đồng, một con số kỷ lục buồn kể từ khi thành lập thị trường chứng khoán đến nay.

Đà bán ròng triền miên của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh tỷ giá leo thang và chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND có sự gia tăng trong 2 năm gần đây. Đặc biệt, trong những phiên giữa tháng 11, thị trường chứng kiến đợt sụt giảm mạnh đi cùng sự biến động của tỷ giá.

Chỉ số DXY (đo lường sức mạnh đồng USD) ghi nhận sự tăng vọt trong thời gian gần đây, vượt vùng đỉnh gần nhất hồi tháng 6. Việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED) không giảm lãi suất trong tháng 12. Cùng với đó, ở trong nước, do yếu tố mùa vụ, các doanh nghiệp và Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua USD.

Những vấn đề trên đã gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, khiến chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND bị nới rộng ra. Trong khi đó, dòng vốn ngoại vốn nhạy cảm với tỷ giá, nên việc rút ròng là điều khó tránh khỏi. Điều này cũng xảy ra tương tự ở các thị trường chứng khoán khác, ngoài Mỹ.

Ông Petri Deryng, người đứng đầu Quỹ đầu tư PYN Elite (quỹ ngoại của Hà Lan đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam) cho rằng, sau chiến thắng của ông Donald Trump, các thị trường mới nổi đã trải qua những biến động không mong muốn khi ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường này.

Theo ông Petri Deryng, do đồng USD mạnh lên hút dòng vốn ra khỏi các thị trường như khu vực châu Á, trong khi giới đầu tư tại các thị trường mới nổi lo ngại những bất ổn liên quan tới chính sách thuế mới mà ông Donald Trump đề xuất. Các chính sách mới này được dự báo sẽ làm chậm dòng chảy thương mại toàn cầu và nhất là ảnh hưởng tới các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, dự báo lạm phát tăng do các chính sách thuế quan cũng làm giảm hy vọng về việc cắt giảm lãi suất, khiến đồng tiền châu Á suy yếu so với USD.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) cũng cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam gặp khó khăn vì tỷ giá. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch dòng vốn khỏi khu vực châu Á và Đông Nam Á để trở lại thị trường tăng trưởng tốt như Mỹ hay tài sản khác như Bitcoin sau khi ông Donald Trump thắng cử.

Ngoài yếu tố tỷ giá, các chuyên gia cũng cho rằng, nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn một số vướng mắc chưa thu hút khối ngoại, nhất là khi câu chuyện về hệ thống giao dịch mới KRX, hay nâng hạng thị trường… vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Tại một Talkshow mới đây, ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, ngoài yếu tố tác động từ tỷ giá, cần nhìn nhận rằng, thị trường Việt Nam hiện không có nhiều lựa chọn mới để đáp ứng với khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân một phần là do những giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại), cùng với đó là câu chuyện thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn vẫn còn dang dở đã tạo ra những rào cản đáng kể.

Chờ đợi câu chuyện nâng hạng rõ ràng hơn

Trong bối cảnh đồng USD vẫn duy trì sức mạnh, cộng thêm những chính sách kinh tế khó đoán định khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, thì việc đảo chiều dòng vốn ngoại được dự báo sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, câu chuyện dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng sẽ rõ ràng hơn trong năm 2025, khi một số nút thắt liên quan đến vấn đề nội tại đang dần được tháo gỡ.

Tháng 9/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số /2024/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán. Với Thông tư này, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà không cần đủ tiền trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh (Non-prefunding), được áp dụng kể từ 2/11/2024.

Song song đó, trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận, Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về quyền của thành viên bù trừ (điểm a khoản 4, Điều 56, Luật Chứng khoán). Đồng thời, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) được phép thành lập công ty con để thực hiện cơ chế thanh toán bù trừ (CCP).

Đây được xem là những giải pháp tổng thể và căn cơ để chứng khoán Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, tiến gần đến nâng hạng thị trường lên mới nổi của FTSE và MSCI, qua đó kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ chủ động sẽ có xu hướng phân bổ tỷ trọng rõ nét vào chứng khoán Việt Nam hơn trong năm 2025.

Theo ông Chen Chia Ken, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ. Cánh cửa nâng hạng thị trường theo đó đã rộng mở hơn.

“Khi lãi suất chính sách của các quốc gia phát triển giảm nhanh hơn trong năm 2025 sẽ thúc đẩy dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm đến các thị trường mới nổi có mức tăng trưởng tốt như Việt Nam. Bên cạnh đó, kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến cũng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025, bởi đây là năm cuối trong lộ trình 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là những động lực lớn để thu hút dòng vốn ngoại sớm trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Chen Chia Ken nhận định.

Dù tỷ giá có sự biến động mạnh và những diễn biến không mấy tích cực của chứng khoán Việt Nam gần đây, song người đứng đầu PYN Elite Fund vẫn có cái nhìn lạc quan về triển vọng thị trường.

Theo ông Petri Deryng, có những dấu hiệu tích cực đang xảy ra với nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu vẫn nhận lực đẩy từ các doanh nghiệp hoạt động nhờ nhu cầu nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang tăng tốc các nỗ lực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, với nhiều quyết sách quan trọng đã được đưa ra. 

“Dù chính sách thuế quan của ông Donald Trump có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng của một số công ty xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, tuy nhiên các công ty này không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc xuất khẩu tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên nhu cầu nội địa đang tăng mạnh sẽ cân bằng lại, qua đó giúp GDP Việt Nam duy trì mức tăng trưởng 6-7% trong năm 2025”, ông Petri Deryng nhận định

PYN Elite Fund dự phóng tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam sẽ đạt khoảng 20% trong năm 2024 và duy trì mức tương tự vào năm 2025. Trước đợt điều chỉnh gần đây, thị trường chứng khoán đã được định giá ở mức hợp lý với P/E năm 2025 là 10 lần. Đại diện PYN Elite Fund cho rằng, dù những điều chỉnh gần đây gây thất vọng, nhưng tình hình không có gì đáng lo ngại. Đây cũng là cơ hội để quỹ tận dụng biến động, thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư.

Hứa Chung (TTXVN)
Thanh khoản giảm, thị trường chứng khoán tiếp đà tăng
Thanh khoản giảm, thị trường chứng khoán tiếp đà tăng

Thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục tích cực về mặt điểm số, dù thanh khoản giảm sâu so với phiên giao dịch hôm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN