Những diễn biến trên đã đặt ra nhiều thách thức cho cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong điều tiết cung cầu hàng hóa, cung ứng nguồn thịt lợn để đảm bảo ổn định thị trường tiêu dùng trong bối cảnh biến động thị trường cũng như tâm lý của người tiêu dùng thay đổi.
Xu hướng giảm sử dụng thịt lợn
Theo các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung và đang có nguy cơ lan rộng khắp cả nước, không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi Việt Nam mà còn là nguyên nhân khiến tâm lý người tiêu dùng thành phố hoang mang và bất an trong việc chọn mua thịt lợn, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Từ đó, dẫn đến hiện tượng nhiều người dân có xu hướng hạn chế sử dụng thịt lợn và thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn.
Bên cạnh đó, người dân Tp. Hồ Chí Minh cũng có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các thực phẩm khác như: thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản, đồ khô… Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng có xu hướng tăng cường tiêu dùng rau củ, quả… nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn hàng ngày nhưng an toàn thực phẩm cho gia đình, người thân.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Tp. Hồ Chí Minh đối với nhóm hàng thịt lợn giảm 3,05%; thịt chế biến giảm 1,2%. Bên cạnh những con số này, trên thị trường ngày càng nhiều đơn vị kinh doanh ẩm thực đã tạm ngưng phục vụ thực đơn có nguồn gốc nguyên liệu từ thịt lợn. Đơn cử, chuỗi cà phê Highland trên địa Tp. Hồ Chí Minh cũng tạm ngưng phục vụ các món ăn có nguồn gốc nguyên liệu từ thịt lợn. Cụ thể, chuỗi cà phê này đã thông báo đến khách hàng ngưng phục vụ bánh mì thịt nướng, bánh mì xíu mại… hơn hai tháng nay.
Tương tự, chủ quán cafe M2C trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 cho hay, thực đơn combo sáng, trưa của quán có khoảng hơn 10 món; trong đó, gần 60% nguyên liệu từ thịt lợn nhưng những ngày gần đây, khách hàng đến quán chỉ ưu tiên chọn các món như bò xào rau củ, khô cá dứa xoài…
Dù món ba rọi chiên sả ớt vốn được khách ưa chuộng nhưng cũng bị giảm số lượng tiêu dùng; hoặc khi gọi món mì quảng, thì khách cũng yêu cầu không ăn thịt lợn.
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Hoàng (huyện Bình Chánh) cho biết, gia đình chị có hai con nhỏ nên vài tuần trở lại đây ưu tiên tiêu dùng thực phẩm tươi sống tại các địa điểm uy tín, nhất là mặt hàng thịt lợn. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng tạm thời tăng cường sử dụng ngũ cốc, sữa… và hạn chế thịt lợn.
Còn bà Tuyết Mai (quận Thủ Đức) cho rằng, ngoài chọn lựa thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ, trong quá trình sơ chế và chế biến thực phẩm cần đảm bảo đúng cách, cũng như an toàn. Đối với thịt lợn nên rửa sạch, loại tạp chất trên sản phẩm bằng nước sôi… do trong quá trình giết mổ, vận chuyển và buôn bán thực phẩm bị bám nhiều chất bẩn.
Thống kê cho thấy, dịch tả lợn châu Phi đã góp phần làm giảm giá trị ngành chăn nuôi 0,82% so với kịch bản năm 2018, tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quý I/2019 của cả nước. Đặc biệt, dự báo dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi các quý tiếp theo và ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa chất lượng, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường cả nước.
Tổng cục Thống kê dự báo, quý II/2019, dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục tác động làm giảm 1,3% giá trị của ngành chăn nuôi so với kịch bản. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng làm giảm 0,04 điểm phần trăm tăng trưởng GDP quý II/2019. Song song đó, dịch tả lợn khiến cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn giảm và đây là một rủi ro cho giá cả mặt hàng này. Trong tháng 4/2019, giá thịt lợn có thể sẽ tiếp tục biến động và khó kiểm soát khi cầu thị trường sụt giảm.
Thách thức kiểm soát giá
Hiện nay, tại Tp. Hồ Chí Minh có số lượng đàn gia súc, gia cầm của thành phố duy trì ổn định, với tổng đàn trâu, bò ước tính đến tháng 3/2019 có 135.760 con (tăng 1,3% so cùng kỳ năm trước); trong đó, đàn bò tăng 1,5%, riêng tổng đàn bò sữa có 81.450 con (giảm 3,4% so cùng kỳ) do tình hình tiêu thụ sữa gặp khó khăn và tiếp tục sàng lọc giảm đàn bò sữa năng suất thấp.
Còn đàn lợn ước đạt 298.100 con, giảm 2% so cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm ước đạt 3,1 nghìn con (tăng 7,4% so cùng kỳ năm trước); trong đó, đàn gà ước đạt 264 nghìn con (tăng 3,9%). Đặc biệt, tại Tp. Hồ Chí Minh đang có gần 4.000 hộ chăn nuôi lợn. Thị trường Tp. Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn mỗi ngày được nhập từ các tỉnh, thành khác. Trong quý I/2019, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh không phát hiện dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng… tại các hộ chăn nuôi.
Ông Đặng Ngọc Hiệp, đại diện cơ sở giết mổ Xuyên Á nằm trên địa bàn huyện Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, trước đây mỗi đêm cơ sở giết mổ khoảng 1.300 con lợn cung ứng cho thị trường thành phố. Tuy nhiên, do dịch tả lợn châu Phi hiện tại mỗi đêm cơ sở chỉ còn giết mổ khoảng 900 con lợn.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, giá bán lẻ các sản phẩm thịt lợn đến tay người tiêu dùng Tp. Hồ Chí Minh như thịt lợn đùi là 100.000 đồng/kg, thịt nạc lợn đùi 112.000 đồng/kg, thịt lợn ba rọi 122.000 đồng/kg, chân giò lợn 90.000 đồng/kg, thịt lợn cốt lết 101.000 đồng/kg… Ngoài ra, nguồn cung thịt lợn tươi sống cung ứng cho thị trường Tp. Hồ Chí Minh được đảm bảo dồi dào, không có hiện tượng khan hàng.
Ông Thanh Bình, tiểu thương chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh) cho biết, tuy dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra đã ảnh hưởng nhất định đến nguồn cung hàng hóa, nhưng giá bán lẻ các sản phẩm thịt lợn tăng trong biên độ dao động bình thường, với mức bình quân khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do thông tin dịch tả lợn châu Phi được tuyên truyền rộng rãi nên người dân hạn chế tiêu dùng, dẫn đến sức mua yếu nên thị trường kém sôi động.
Theo một số tiểu thương tại các chợ Nguyễn Văn Trỗi, Tân Định, Quách Thị Trang, Hoàng Hoa Thám… dịch tả lợn châu Phi không chỉ ảnh hưởng đến mặt hàng thịt lợn, mà còn tác động trực tiếp đến nhiều ngành hàng thực phẩm tươi sống khác như thịt bò, thịt gia cầm, trứng, thuỷ hải sản…
Cụ thể, sức mua và giá cả của các ngành hàng này tăng lên đáng kể so với cùng kỳ năm trước, như: thịt bò phi lê có giá bán lẻ từ 250.000 – 280.000 đồng/kg, bắp bò 190.000 – 210.000 đồng/kg; cá ngừ 75.000 – 100.000 đồng/kg, cá nục 60.000 – 80.000 đồng/kg…
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn San Hà cho biết, tính từ thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát đến nay, sức tiêu thụ thịt gia cầm đã tăng gấp hai, ba lần so với thời điểm bình thường. Do đó, ngoài việc đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung cho các đơn vị phân phối, bán lẻ mà doanh nghiệp đã ký kết hợp tác, San Hà còn thực hiện tăng sản lượng cung ứng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Mặc dù vậy, bà Phạm Thị Ngọc Hà cho hay, doanh nghiệp đang gặp thách thức trong việc giữ ổn định giá. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt gia cầm trên thị trường đã tăng lên 30 – 40% so với thời điểm bình thường.
Bài 2: Cần sự phối hợp liên ngành