Thời điểm 9 giờ 25 phút, cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCOM-Index đều tăng nhẹ. Đà tăng được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 và bất động sản.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí đã quay đầu điều chỉnh giảm khi hầu hết các mã cổ phiếu ngành này đang trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng có diễn biến phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen.
Tại thời điểm 9 giờ 32 phút, VN-Index tăng gần 5 điểm, HNX-Index tăng hơn 4 điểm và UPCOM-Index đang loanh quanh tại vùng tham chiếu.
Trước đó, sau phiên giao dịch 14/2, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định, áp lực giảm điểm ngắn hạn đang quay trở lại với thị trường.
Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, theo kỹ thuật, VN-Index có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp. Khối lượng giao dịch gia tăng vượt mức bình quân 10 phiên, hàm ý áp lực chốt lời đang quay trở lại. Không những vậy, chỉ số có phiên giảm tạo Gap (khoảng trống giá) và cắt xuống dưới MA20 (đường trung bình di động 20 ngày), cho thấy áp lực giảm ngắn hạn đang quay trở lại.
Thêm vào đó, đường RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) đang hướng xuống dưới vùng 46.000 đồng/cổ phiếu và đường -DI (chỉ báo đại diện cho xu hướng giảm, khi bên bán chiếm ưu thế thì -DI sẽ tăng lên) có tín hiệu nới rộng khoảng cách lên phía trên so với +DI, cho tín hiệu suy yếu và chỉ số VN-Index có thể chịu sức ép về lại vùng hỗ trợ gần quanh 1.440 điểm hoặc xa hơn là vùng 1.0 điểm.
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm thủng MA100 (đường trung bình di động 100 ngày) sau khi không thể thắng được sức ép của MA20 (đường trung bình di động 20 ngày), cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn đang mạnh trở lại. Chỉ số có thể chịu sức ép về lại vùng hỗ trợ tâm lý 400 điểm.
“Nhìn chung, thị trường đang có tín hiệu quay lại xu hướng giảm ngắn hạn sau phiên giao dịch 14/2. Do đó, nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng ở mức hợp lý nhằm hạn chế rủi ro bất ngờ từ thị trường”, PHS khuyến nghị.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán (SSI), phiên 14/2, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm gần 2% do lực bán giá thấp trên diện rộng và chịu tác động tiêu cực nhất từ sự sụt giảm 2,64% của chỉ số VN30. Khối lượng giao dịch chung tăng mạnh 30,3% cho thấy tín hiệu chỉ số khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Vùng hỗ trợ mạnh và gần nhất trên chỉ số VNIndex hiện đang nằm tại 1.400 - 1.425 điểm và nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ có nhịp hồi phục khi lùi về gần vùng hỗ trợ này.
Trước đó, kết thúc phiên 14.2, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5% xuống 34.566,17 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,4% xuống 4.401,67 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đi ngang và đứng ở mức 13.790,92 điểm.
Giới đầu tư đang dành sự chú ý tới khả năng vào tháng Ba tới Fed sẽ lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát để ứng phó lạm phát tăng cao ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Chủ tịch của chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại St. Louis, ông James Bullard cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát leo thang.
Trước đó, Chủ tịch của chi nhánh Fed tại St. Louis, ông James Bullard ngày 14/2 cho rằng tình trạng lạm phát ở mức cao đang khiến người dân Mỹ không hài lòng.
Phát biểu với hãng tin CNBC, ông James Bullard nhấn mạnh: “Vấn đề lạm phát mà chúng tôi nhận thấy là rất tồi tệ đối với những hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp. Mức lương thực tế đang giảm. Mọi người không hài lòng. Niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút. Đây không phải là một tình huống tốt”.
Ông Bullard lưu ý rằng Fed đã mất cảnh giác với sự tăng vọt giá cả. Ông Bullard nêu rõ: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên bởi sự gia tăng của lạm phát. Đây là mức lạm phát rất lớn trong nền kinh tế Mỹ. Uy tín của chúng tôi là ở đây. Chúng tôi phải phản ứng với những dữ kiện này. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng tôi có thể làm điều đó một cách có tổ chức và không gây ảnh hưởng đến thị trường”.