Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết tiếp tục cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt, sẽ can thiệp khi tỷ giá tăng quá nóng với mục tiêu ưu tiên sự ổn định, cân đối và đảm bảo nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 5/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 24.0 đồng, tăng 34 đồng so với đầu tuần.
Với biên độ +/-5% đang được áp dụng, tỷ giá trần các ngân hàng áp dụng là 25.239 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.836 VND/USD.
Tại Ngân hàng Vietcombank được niêm yết ở mức 24.740 - 25.110 VND/USD (mua vào - bán ra). Trong tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng này tăng 130 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Tương tự, tại Ngân hàng BIDV niêm yết 25.785 - 25.095 đồng/USD, tăng 120 đồng ở cả chiều mua vào và bán ra so với đầu tuần.
Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, tỷ giá đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, giữ ổn định. Song nếu đồng USD tiếp tục tăng giá so với đồng VND thì có thể tạo ra nguy cơ nhập khẩu lạm phát.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN luôn nhận định, tỷ giá là một trong những điều hành kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền, sức mua của đồng Việt Nam (VND) mà nó còn ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế, đặc biệt là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tác động tâm lý thị trường chung, nhu cầu ngoại tệ cũng như niềm tin của nhà đầu tư.
Chính vì vậy, NHNN luôn coi trọng công tác điều hành tỷ giá và đây vẫn là nội dung được tập trung thời gian tới. Theo đó, việc điều hành tỷ giá sẽ được NHNN thực hiện theo cơ chế điều hành linh hoạt. Điều này đảm bảo trong quá trình điều hành, dù tỷ giá có thể lên – xuống phù hợp với xu thế chung nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu đặt ra là sự ổn định, đủ nguồn tiền, đảm bảo hài hòa trạng thái ngoại tệ dương; cân đối và đảm bảo nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế - Phó Thống đốc khẳng định.
Nhận định về tình hình chung, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đầu năm 2024, cụ thể là trong quý I, vấn đề tỷ giá vẫn tiếp tục “nóng”. NHNN cho rằng, đây là một nội dung được quan tâm và tập trung điều hành. Theo Phó Thống đốc, lý do chính của tỷ giá tăng là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra thời điểm cụ thể về nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng đô la (USD) tăng rất mạnh trong mấy ngày vừa qua. Sự tăng giá này sẽ tác động đến việc giảm giá trị tiền tệ của các nước khác trên thế giới và trong khu vực; trong đó có VND.
Phó Thống đốc khẳng định, với điều hành của NHNN, tỷ giá hiện nay vẫn đảm bảo duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN luôn đảm bảo trạng thái “dương” về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại (NHTM) và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong nước, kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh, áp lực lạm phát, việc lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ được dự đoán là sẽ neo ít nhất đến quý II/2024 nên Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực tăng tỷ giá USD/VND.
Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng dự báo, áp lực tỷ giá vẫn còn nhưng sẽ giảm dần khi Fed bắt đầu chu kỳ hạ lãi suất dự kiến vào cuối quý II/2024, giảm mức độ chênh lệch lãi suất USD và VND, qua đó, giảm đầu cơ tỷ giá.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, diễn biến tỷ giá tăng như thời gian qua, dù liên tục không đáng lo quá, bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu chịu ảnh hưởng do tác động từ lãi suất cao.