Một số doanh nghiệp hàng đầu như Công ty TNHH Đức Thiện và Công ty TNHH Hiệp Long đã ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ trong lượng đơn hàng. Bà Dương Thị Tú Trinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện chia sẻ niềm vui khi công ty đã bắt nhịp lại hoạt động sản xuất và tăng tuyển lao động trong những tháng cuối năm.
"Đơn hàng của chúng tôi đã tăng trở lại với mức từ 20 - 25% so với 3 quý trước, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong quý IV/2023. Chúng tôi đã có đủ đơn hàng cho đến hết quý I/2024, đảm bảo việc làm cho nhân công và xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng", bà Trinh chia sẻ.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long kỳ vọng thị trường xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi nhanh trong năm 2024 và nhấn mạnh:
"Mặc dù chưa trở lại được như những năm trước, tuy nhiên, chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng năm 2024 khá khả thi. Đây là tin mừng cho ngành gỗ, chúng tôi hy vọng năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại", ông Huỳnh Quang Thanh nói.
Sự hồi phục của ngành công nghiệp gỗ không chỉ tạo ra cơ hội về lượng đơn hàng mà còn mang lại cơ hội việc làm cho người lao động. Công ty TNHH Đức Thiện đã tăng lại số lượng công nhân và hoạt động với công suất đạt 50 - 60%. Điều này là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế địa phương và làm tăng cơ hội việc làm trong ngành.
Đồng thời, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng chú trọng đầu tư và đổi mới công nghệ sản xuất. Hội chợ máy móc ngành gỗ tổ chức tại Bình Dương năm 2023 là nơi quy tụ các doanh nghiệp để tìm hiểu về công nghệ mới, từ đó cải thiện chất lượng và hiệu suất sản xuất giúp doanh nghiệp cạnh tranh mạnh mẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành.
Mặc dù có những tín hiệu tích cực, nhưng ngành gỗ Bình Dương vẫn đối mặt với những thách thức như đơn hàng phải cạnh tranh và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng càng trở nên cao. Ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và đà tăng trưởng còn nhiều cản trở bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn yếu, lạm phát kéo dài trong bối cảnh rủi ro nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để đối mặt với những thách thức này, doanh nghiệp ngành gỗ đang chủ động tìm kiếm giải pháp, chuyển đổi sản phẩm theo hướng thân thiện với môi trường và đa dạng về mẫu mã để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) trải qua những khó khăn vừa qua cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình. Trong giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp gỗ đã nhận ra tầm quan trọng của việc đầu tư vào công nghệ mới và cập nhật quy trình sản xuất. Sự chuyển đổi này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh lớn nhất cả nước nhưng bị suy giảm do biến động thị trường, nhiều tháng qua nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, làm giảm xuất khẩu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng cho hoạt động xuất khẩu, hiện các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tập trung hỗ trợ xuất nhập khẩu, hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Từ đó, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Những hội chợ và sự kiện về máy móc ngành gỗ, như các triển lãm tổ chức tại Bình Dương, đã trở thành cơ hội quý giá để các doanh nghiệp cập nhật thông tin, công nghệ mới, đồng thời là nơi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà sản xuất.
Mặc dù mục tiêu xuất khẩu 17 tỷ USD năm 2023 được đánh giá là khó hoàn thành, nhưng với sự phục hồi tích cực và tiếp cận đơn hàng mới, ngành gỗ Bình Dương hy vọng sẽ đạt được con số xuất khẩu đáng kể. Các doanh nghiệp đang tự tin xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2024, đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu chủ lực của "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương.
Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 25,2 tỷ USD; trong đó, tiêu biểu nhất là ngành sản xuất, chế biến đồ gỗ, hiện đang chiếm gần 18% tỷ trọng xuất khẩu của cả tỉnh.