Đồng AUD hiện ở mức đỉnh so với đồng USD kể từ tháng 2/2018, sau khi vượt qua mốc kháng cự 0,78 USD được duy trì trong nhiều tháng vừa qua. Đồng tiền này cũng đạt tỷ lệ quy đổi cao nhất so với đồng yen của Nhật Bản, ở ngưỡng 1 AUD tương ứng 83,31 yen, và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 1 AUD đổi được 0,65 euro, kể từ tháng 12/2018.
Các nhà phân tích của Australia cho rằng nhu cầu xây dựng tại Trung Quốc tăng cao và sự phục hồi kinh tế toàn cầu là động lực chính thúc đẩy giá trị của đồng AUD tăng cao. Bất chấp căng thẳng thương mại giữa Australia và Trung Quốc tiếp tục leo thang, mặt hàng đồng xuất khẩu của "xứ Chuột túi" đã thu được nguồn lợi tức tăng vọt khi cầu hàng hóa gia tăng liên tục và tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn đang kéo dài.
Việc giá đồng AUD tiếp tục tăng cao làm đau đầu các nhà quản lý kinh tế vĩ mô và Ngân hàng Dự trữ Quốc gia Australia (Ngân hàng trung ương - RBA). Trong năm 2020, RBA đã nỗ lực tìm cách hạ nhiệt đồng AUD nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu và hỗ trợ nền kinh tế quốc gia.
Rất nhiều chính sách đột phá được áp dụng, bao gồm cả hành động nới lỏng chính sách tiền tệ linh hoạt, lần đầu tiên được áp dụng tại Australia. Mặc dù vậy, tính từ nửa cuối năm 2020 đến nay, dù đại dịch COVID-10 gây ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia và thế giới, đồng AUD vẫn ở ngưỡng cao so với "đồng bạc xanh" và các loại tiền tệ phổ biến khác.
Cũng trong cùng ngày, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã công bố giữ nguyên mức xếp hạng tín dụng AAA của Australia, nhưng duy trì quan điểm về triển vọng tiêu cực đối với nền kinh tế Australia, do lo ngại những rủi ro liên quan đến mức nợ công cao kỷ lục, các đợt phong tỏa liên tục tại nhiều tiểu bang để ngăn chặn sự bùng phát đại dịch COVID-19 và căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Fitch Ratings đánh giá kinh tế Australia đã vượt qua đại dịch tốt so với các nước khác trong cùng mức phát triển và ước Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế năm 2020 của nước này sẽ giảm 2,8%, so với mức giảm trung bình là 3,8%.
Giám đốc Fitch Ratings, Jeremy Zook, nhận định Australia có đủ khả năng để chống lại cú sốc đại dịch và không có mối đe dọa về ảnh hưởng lâu dài đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của quốc gia. Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng này cũng cho biết "rủi ro vẫn nghiêng về phía giảm, phản ánh khả năng có các biện pháp phong tỏa bổ sung và rộng hơn để ngăn chặn bất kỳ sự bùng phát dịch, trong đó rủi ro lớn nhất có thể kể tới là mức nợ công hiện cao kỷ lục".