Châu Âu và giấc mơ thoát khỏi thế thống trị của đồng đôla Mỹ

Cách hành xử quyết đoán và cứng rắn của Tổng thống Donald Trump càng truyền động lực cho khao khát đưa đồng euro thoát khỏi thế thống trị của đồng đôla Mỹ suốt 7 thập niên qua.

Chú thích ảnh
Tiền giấy euro, USD và bảng Anh. Ảnh: Getty Images

Mong muốn tìm lối thoát khỏi sự thống trị của nền tài chính Mỹ và sự “cai trị” toàn cầu của đồng đôla Mỹ càng mạnh mẽ hơn sau khi các nhà lãnh đạo Pháp và Đức lần đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ về sự cần thiết phải khôi phục chủ quyền kinh tế vào mùa Hè năm ngoái. Nhưng các chính phủ châu Âu đang hiểu ra rằng việc đưa ra một kế hoạch khả thi thì dễ hơn rất nhiều so với thực hiện, điều khiến họ nổi giận nhưng vẫn dễ bị tổn thương trước các chiến thuật mạnh tay của Washington.

Mặc dù vậy tâm lý đó không có nghĩa là người châu Âu sẽ từ bỏ nỗ lực và điều này gây ra mối nguy cơ về lâu dài cho sức mạnh Mỹ.

Mỹ "tung đòn" với cả bạn và thù

Các quốc gia như Pháp và Đức đã lần đầu tiên phản ứng với quyết định của chính quyền Tổng thống Trump về việc đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, hành động gây tổn hại tới các công ty châu Âu.

Kể từ khi lệnh trừng phạt Iran được áp đặt trở lại, Washington đã tăng cường sử dụng các biện pháp trừng phạt và vũ khí kinh tế khác để buộc cả bạn bè lẫn kẻ thù phải tuân theo các mong muốn về chính sách đối ngoại của mình.

Ngoài một đường lối cứng rắn hơn đối với Iran, Washington ngày càng có nhiều lệnh trừng phạt chống Venezuela, bao gồm lệnh cấm mọi quốc gia cung cấp trợ giúp cho ngành công nghiệp dầu lửa Venezuela; các biện pháp trừng phạt tiếp theo đối với các ngân hàng và cá nhân Nga cũng như nhiều lần đe dọa trừng phạt đối với các công ty châu Âu làm việc trong dự án đường ống khí đốt của Nga ở Đức; và các đe dọa trừng phạt chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của NATO, vì các quyết định mua sắm quốc phòng với Nga...

Các biện pháp trừng phạt dựa trên hàng loạt hành động thương mại nặng tay, từ áp đặt thuế nhập khẩu đối với một lượng khổng lồ hàng hoá Trung Quốc nhằm buộc Bắc Kinh thay đổi hệ thống kinh tế, cho tới đe dọa thuế quan đối với Mexico nhằm nắn chỉnh chính sách di cư của nước này. Đó là chưa kể đến chiến dịch của Nhà Trắng nhằm vận động các quốc gia trên thế giới tẩy chay Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

"Chủ nghĩa đơn phương ích kỷ"

Theo tờ Foreign Policy, tất cả các hành vi “bắt nạt” được Washington thực hiện nhờ cơ sở USD là đồng tiền dự trữ của thế giới và được sử dụng nhiều nhất trong các giao dịch xuyên biên giới.

Chú thích ảnh
Đồng đôla Mỹ thống trị hệ thống tài chính toàn cầu và sức mạnh trừng phạt của Mỹ đang gây nhiều "bức xúc" với cả đồng minh lẫn quốc gia đối thủ. Ảnh: Getty Images

Mặc dù vậy, ông John E. Smith, người đã từ chức khỏi cương vị lãnh đạo bộ phận trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ hồi năm ngoái cho rằng chính quyền Tổng thống Trump đang mạo hiểm sử dụng vũ khí tài chính này với một sự đánh đổi hiếm thấy trước đây.

Ông Smith - hiện là đồng trưởng nhóm an ninh quốc gia tại công ty luật quốc tế Morrison&Foerster - cho rằng Mỹ càng đẩy châu Âu ra khỏi một chính sách chung, thì họ cũng đồng thời càng đẩy châu Âu vào việc hoàn thiện các lựa chọn thay thế cho hệ thống tài chính của Mỹ, và điều này cuối cùng sẽ làm suy yếu sức mạnh kinh tế Mỹ cũng như khả năng của Washington trong áp đặt hiệu quả các lệnh trừng phạt.

Cho đến nay, phản ứng bất lợi đối với các hành động tài chính của Mỹ đang thúc đẩy triển vọng của đồng euro. “Những lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng của những căng thẳng thương mại quốc tế và thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, bao gồm cả việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương, dường như đã hỗ trợ cho sự ‘trỗi dậy’ trên toàn cầu của đồng euro trong năm qua” - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra kết luận trong báo cáo thường niên về việc sử dụng đồng euro, công bố giữa tuần trước.

Trong khi thị phần của đồng euro trong các giao dịch xuyên biên giới vẫn giữ nguyên – chỉ dưới 1/3 tổng các giao dịch - thì tỉ lệ của đồng tiền châu Âu trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng trong năm ngoái, còn tỉ lệ dự trữ đồng đô la Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm. ECB cho biết một số ngân hàng trung ương đang giảm tiếp xúc với USD do rủi ro của các hành động đơn phương.

Trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã bác bỏ áp lực của Mỹ về việc cấm Huawei, với lý do cần phải bảo vệ chủ quyền của Pháp. Còn trong tháng 6, Thống đốc tỉnh Banque de France (Pháp), một ứng cử viên ghế lãnh đạo ECB nhiệm kỳ tới, đã kêu gọi vai trò lớn hơn đối với đồng euro nhằm khôi phục chủ quyền tài chính của Châu Âu.

Trong khi đó, các nhà lập pháp hàng đầu của Pháp phản đối các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt bên ngoài lãnh thổ và bày tỏ lo ngại cho tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Tây Ban Nha cũng chiến đấu dữ dội chống lại việc Mỹ tái áp dặt các lệnh trừng phạt Cuba, đe dọa các doanh nghiệp hàng đầu của nước này. 

Chuyên gia Smith cho rằng, mặc dù Mỹ đã tích cực sử dụng vị trí trung tâm của mình trong hệ thống tài chính toàn cầu để áp đặt các biện pháp trừng phạt từ những năm 1990, nhưng những gì Tổng thống Donald Trump đang làm là một trật tự hoàn toàn mới về quy mô. Ông Trump sẵn sàng đối đầu ngay cả với các đồng minh và tìm cách ép buộc thay đổi chính sách đối ngoại của họ bằng cách sử dụng các mối đe dọa trừng phạt cũng như gây sức ép thương mại. “Bây giờ chúng ta nghe được từ Pháp và Đức những gì chúng ta đã từng nghe từ Trung Quốc và Nga”, Foreign Policy dẫn lời ông Smith nói.

Cuộc "nổi dậy" khó khăn 

Một vấn đề đối với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, châu Á khi đang tìm con đường vượt qua sức mạnh tài chính của Mỹ là rất khó khăn để lật đổ sự thống trị hơn 7 thập kỷ qua của đồng USD.

Hệ thống tài chính của Mỹ vẫn là hệ thống “thần kinh trung ương” cho phần lớn các giao dịch tài chính toàn cầu. Điều đó mang lại cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ khả năng siết chặt, cô lập các quốc gia khác, bất chấp hàng thập kỷ nỗ lực lẻ tẻ của các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc và các nước khác nhằm đưa đồng tiền và hệ thống ngân hàng của họ thay thế USD.

Chú thích ảnh
Trung Quốc cũng muốn giảm bớt vị thế của đồng đôla Mỹ và nâng cao sức mạnh đồng nhân dân tệ. Ảnh: Reuters

Một minh chứng rõ ràng là nỗ lực của châu Âu để duy trì thương mại với Iran thông qua “INSTEX”, một phương tiện tài chính đặc biệt được thiết kế để cho phép buôn bán hạn chế hàng hóa nhân đạo và thuốc men bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Nhưng sau một năm cố gắng, châu Âu và Iran vẫn không thể có được hệ thống này.

Trở ngại còn nằm ở chỗ "các doanh nghiệp chỉ muốn làm những gì có lợi nhất cho họ. Ngay cả ở Nga và Trung Quốc, doanh nghiệp cũng không muốn phụ thuộc vào lợi ích của chính phủ. Với họ, sử dụng đô la Mỹ vẫn thuận tiện và tiết kiệm hơn”, ông Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) cho biết. 

Đó là một trong những lý do tại sao kể từ năm ngoái, Liên minh châu Âu đã nỗ lực gấp đôi để thể hiện vai trò quốc tế lớn hơn đối với đồng euro, đồng tiền quan trọng thứ hai thế giới.

Mùa thu 2018, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã kêu gọi cải cách kinh tế và tiền tệ sâu sắc hơn để tăng cường vai trò của đồng euro trong nền kinh tế toàn cầu - với mong muốn sẽ giúp châu Âu tránh khỏi “chủ nghĩa đơn phương ích kỷ”. “Đồng euro phải trở thành bộ mặt và công cụ của một châu Âu mới, có chủ quyền hơn”, ông Juncker nói.

Tiếp đó, cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã đưa ra một lộ trình tăng cường vai trò quốc tế của đồng euro, bao gồm hoàn thành liên minh tiền tệ thực sự của châu Âu 20 năm sau khi ra mắt đồng tiền chung bằng cách tạo ra các thị trường vốn và ngân hàng châu Âu hiệu quả, mà lâu nay vẫn bị phân mảnh dọc theo đường biên giới quốc gia. Một vấn đề quan trọng khác là phải sử dụng đồng euro nhiều hơn, và đồng đô la Mỹ ít hơn trong lĩnh vực năng lượng.

Hiện tại, mặc dù là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, châu Âu chủ yếu thanh toán cho dầu, than và khí đốt tự nhiên bằng USD. 300 tỷ euro mà châu lục này chi hàng năm để nhập khẩu năng lượng phần lớn được trả bằng USD, được chuyển qua ngân hàng Mỹ dưới con mắt của chính quyền Mỹ.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Trên 600 công ty viết tâm thư đề nghị Tổng thống Trump giải quyết thương chiến
Trên 600 công ty viết tâm thư đề nghị Tổng thống Trump giải quyết thương chiến

Trên 600 công ty Mỹ đã gửi tâm thư đề nghị Tổng thống Donald Trump giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN