Tuần qua, giá vàng trong nước biến động trái chiều trong sáng đầu tuần 6/3, giao dịch quanh mốc 66,8 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng liên tiếp giảm trong phiên giao dịch sáng 7/3 - 9/3, và chỉ mới tăng trở lại từ sáng 10/3. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 50 nghìn đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 11/3, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66 - 66,82 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tương tự, tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66 - 66,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 250 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, kết phiên cuối tuần 10/3, giá vàng giao ngay tăng 1,8% lên 1,863,46 USD/oounce, mức cao nhất kể từ ngày 14/2/2023. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 1,8%, lên 1.867,20 USD/ounce.
Chuyên gia Phân tích cấp cao Jim Wyckoff tại Kitco Metals cho biết: “Thị trường có tâm lý e ngại rủi ro khi khép lại tuần giao dịch, và điều đó có thể thúc đẩy một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với kim loại quý”.
Thêm vào đó, việc thị trường tài chính lo ngại về sự sụp đổ trong lĩnh vực ngân hàng sau khi Tập đoàn Tài chính SVB Financial Group chính thức phá sản đã làm "lu mờ" báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ và khiến dòng tiền trú ẩn an toàn đổ vào kim loại quý.
Vàng, vốn không sinh lời, được hưởng lợi khi lợi suất trái phiếu giảm trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn và sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ cho thấy tiền lương mỗi giờ tăng thấp hơn so với dự kiến trong tháng trước. Điều đó đã mang lại hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bớt quyết liệt hơn trong lộ trình nâng lãi suất, mặc dù số việc làm vẫn tăng mạnh.