Trong phiên giao dịch chiều 20/10 tại thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền đã có lúc được niêm yết ở mức 150,05-06 yen/USD, tăng nhẹ so với giá niêm yết 149,82 - 149,83 yen/USD trên thị trường này vào lúc 9 giờ sáng nay. Đây là mức thấp nhất chưa từng thấy của đồng yen kể từ tháng 8/1990.
Như vậy, kể từ đầu năm tới nay, đồng yen đã mất giá khoảng 30% so với đồng bạc xanh của Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng đã thúc đẩy các nhà đầu tư bán yen để mua vào USD. Hôm qua, lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ có lúc tăng tới 4,1%.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng khoảng cách lãi suất giữa hai nền kinh tế sẽ tiếp tục nới rộng nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong các phiên họp sắp tới, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng.
Trong bối cảnh đó, nhiều khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để chặn đà mất giá của đồng yen. Sáng 20/10, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki đã tái khẳng định cam kết thực hiện “các biện pháp thích hợp” để đối phó với các biến động quá mức trên thị trường ngoại hối.
Phát biểu tại một phiên họp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện, Bộ trưởng Suzuki nói: “Biến động quá mức (của đồng yen) do các hành động đầu cơ là tuyệt đối không thể chấp nhận”, đồng thời cho rằng sự suy yếu nhanh và một chiều gần đây của đồng yen “có thể gây rắc rối”.
Trước đó, hôm 22/9, Bộ Tài chính Nhật Bản đã phải thực hiện nghiệp vụ bán USD mua yen sau khi tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo đã tăng lên mức 145,9 yen/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng cách bán USD mua yen. Tuy nhiên, hành động can thiệp đơn phương của Nhật Bản vẫn không giúp chặn đà mất giá của đồng yen.