Vào lúc 9h00 sáng 24/10 ở thị trường Tokyo, tỷ giá hối đoái giữa hai đồng tiền này được niêm yết ở mức 147,64-67 yen/1USD, giảm nhẹ so với mức giá 147,74-84 yen/1USD ở thị trường New York và 150,47-49 yen/1USD ở thị trường Tokyo vào lúc 17h00 của phiên giao dịch trước (ngày 21/10). Tuy nhiên, sau đó, tỷ giá này đã tăng trở lại và ở trên ngưỡng 148 yen/1USD.
Sự suy yếu của đồng yen diễn ra ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki tiếp tục cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn biến động quá mức trên thị trường tiền tệ. Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Suzuki cho biết: “Chúng tôi đang giám sát các diễn biến trên thị trường tiền tệ với tinh thần cấp bách cao. Chúng tôi sẽ không để (đồng yen) biến động quá mức do các hành động đầu cơ và sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết khi cần”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda vẫn từ chối bình luận về việc liệu có phải Nhật Bản đã lần thứ hai can thiệp vào thị trường tiền tệ thông qua nghiệp vụ bán USD để mua yen hay không.
Trước đó, ngày 22/9, Bộ Tài chính đã phải thực hiện nghiệp vụ bán USD-mua yen sau khi tỷ giá giữa hai đồng tiền này trên thị trường Tokyo tăng lên mức 145,9 yen/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường bằng cách bán USD mua yen. Sau đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng hôm 21/10, các nhà chức trách Nhật Bản có động thái tương tự để ngăn chặn đà trượt giá của đồng yen so với đồng USD. Trong phiên giao dịch ngày 21/10 ở New York, đồng yen đã tăng lên mức 144 yen/1USD khoảng 2 giờ sau khi trượt xuống gần 152 yen/1USD.
Bất chấp sự suy yếu của đồng yen, mở cửa phiên giao dịch 24/10, thị trường chứng khoán Tokyo vẫn tăng nhẹ, chủ yếu nhờ những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán Mỹ. Sau 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số Nikkei-225 tăng 1,29% so với mức giá đóng cửa trong phiên giao dịch trước lên 27.236,20 điểm, trong khi chỉ số Topix cũng tăng 0,92% lên 1.899,37 điểm. Các cổ phiếu tăng giá gồm vận tải biển, máy móc và bảo hiểm.