Dự trữ ngoại hối cao, ngân hàng chủ động điều hành tỷ giá

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố từ đầu năm đến nay đã mua vào 8,35 tỷ USD, bình quân gần 2,1 tỷ USD/tháng, cao nhất từ trước tới nay.

Chú thích ảnh
Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019: "Để ngân hàng Việt vươn xa". Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức.

Như vậy, số dư quỹ dự trữ ngoại hối Quốc gia hiện khoảng -69 tỷ USD. Tất cả số ngoại tệ được mua vào ở mức giá 23.200 đồng/USD, tương đương cơ quan quản lý đã đưa ra thị trường 193.720 tỷ đồng. Quy mô mua vào được NHNN công bố cũng gấp nhiều lần so với mức thặng dư thương mại của Việt Nam đạt được trong quý đầu năm 2019. Điều này cho thấy, Chính phủ và NHNN tiếp tục thành công trong định hướng chuyển hóa và kích thích nguồn lực ngoại tệ trong dân cư và nền kinh tế, thay vì bị găm giữ thường thấy trong nhiều năm trước.

Với nguồn ngoại tệ này, NHNN có thể can thiệp thị trường bất cứ lúc nào; đồng thời chủ động trong điều hành tỷ giá. Hai tuần gần đây, lãi suất tiền đồng liên ngân hàng hạ, lãi suất qua đêm từ 4-4,5%/năm về 3%/năm, thậm chí có ngày xuống 2,8%/năm đã “thúc giục” các ngân hàng mua lại ngoại tệ để cân bằng trạng thái.

Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng năm 2019 do NHNN tổ chức ngày 8/5, đề cập tới thị trường ngoại tệ, Phó Thống đốc NHNN- bà Nguyễn Thị Hồng nói: “Khi NHNN mua ngoại tệ, đồng nghĩa NHNN cung tiền đồng lớn ra thị trường. Dự trữ ngoại hối rất ấn tượng về giá trị tuyệt đối tăng lên nhưng độ mở nền kinh tế lớn, sản xuất trong nước vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa nguyên vật liệu nên cần tiếp tục tích lũy dự trữ ngoại hối”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, tỷ giá không chỉ chịu ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô mà còn chịu tác động từ yếu tố kỳ vọng thị trường. Khi có bất ổn, NHNN sẽ tung lượng tiền ra để mua ngoại tệ. Nếu áp dụng dự trữ bắt buộc sẽ ảnh hưởng thanh khoản, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Do vậy, NHNN áp dụng phát hành tín phiếu NHNN, là công cụ giúp các TCTD linh hoạt, những ngân hàng có dư dả thanh khoản có thể mua. Như vậy NHNN vừa rút tiền về được lại vừa không ảnh hưởng lãi suất thị trường. 

“Trong bối cảnh hầu hết các đồng tiền của các thị trường mới nổi đều mất giá mạnh so với USD, một số nước bị giảm dự trữ ngoại hối để can thiệp ổn định tỷ giá, thì tỷ giá trong nước năm 2018 diễn biến khá ổn định: tỷ giá thị trường tăng khoảng 2,2-2,3%, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút vốn đầu tư (FDI thực hiện tăng 9,1%) và hỗ trợ xuất khẩu (xuất siêu năm 2018 đạt 6,8 tỉ USD); thị trường ngoại tệ ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố; hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối; thị trường vàng trong nước diễn biến ổn định”, Phó Thống đốc NHNN nói.

Cuối quý I/2019, giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục được giữ ổn định so với đầu năm, chỉ tăng 25 đồng/USD so với đầu năm. Theo các chuyên gia, yếu tố giúp giá USD trên thị trường ổn định nhờ nguồn cung dồi dào. Dự báo trong quý II theo các chuyên gia tài chính: Tỷ giá USD/VND tiếp tục ổn định với các yếu tố hỗ trợ như chênh lệch lãi suất VND - USD duy trì ở mức dương, cung cầu ngoại tệ khá dồi dào, môi trường quốc tế chưa xuất hiện yếu tố đột biến, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn chưa tiếp tục tăng lãi suất.

Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá: Về cơ bản, lãi suất, tỷ giá thời gian qua được duy trì tương đối ổn định. Dự báo năm nay, áp lực tỷ giá lớn, xu hướng tăng khi cuộc chiến tiền tệ trên thế giới chưa hồi kết. Tỷ giá gặp nhiều áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, lạm phát, cán cân thương mại nhưng cũng cần nhìn vào những điểm tích cực như dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại

“Tuy nhiên hiện nay, nguồn dự trữ ngoại tệ tăng; cán cân thanh toán quốc tế dương do dòng vốn vào Việt Nam khá tích cực. Nhìn tổng thể, lạm phát khoảng 4%; cách ứng xử của NHNN linh hoạt trong sử dụng công cụ và cách điều hành tỷ giá trung tâm. Vì vậy tôi dự báo tỷ giá năm nay chỉ biến động ở một số thời điểm nhưng chỉ khoảng 2%”, ông Võ Trí Thành nói. 

              Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
"Chúng tôi đi nhiều quốc gia kêu gọi đầu tư FDI tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận định Việt Nam là điểm sáng đầu tư FDI, nhờ thành quả điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó có tỷ giá. Cách thức điều hành của NHNN đã thông minh hơn rất nhiều, tận dụng truyền thông và các biện pháp kỹ thuật. Thông thường những năm trước đây, NHNN giữ tỷ giá cố định, nhưng nay đã linh hoạt và điều chỉnh ngay, tạo niềm tin thị trường. Khi có biến động thị trường thế giới, tâm lý nhà đầu tư chưa ổn định nên cách điều hành phải ổn định, thống nhất, tránh tạo tâm lý găm giữ ngoại tệ trong tương lai", ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
VEPR: Tỷ giá, lãi suất sẽ không biến động nhiều trong năm 2019
VEPR: Tỷ giá, lãi suất sẽ không biến động nhiều trong năm 2019

"Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt. Điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Chúng tôi cho rằng, hai biến số này sẽ không có sự biến động nhiều trong năm 2019 và có thể nằm trong mức mục tiêu đã đề ra".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN