Theo đó, dự thảo được sửa đổi theo hướng thu hẹp dần các nhu cầu vay vốn ngoại tệ và từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, nhằm khắc phục tình trạng đô la hóa nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng và tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ chậm nhất đến 2030.
Theo dự thảo mới, việc cho vay này được chi tiết hóa theo thời gian vay vốn và mục đích sử dụng vốn.
Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31/3/2019.
Cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30/9/2019.
Cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ vay thì được thực hiện không giới hạn về thời gian.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018 cho thấy, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi hơn so với vay VND. Vì vậy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24 là hoàn toàn hợp lý trong chủ trương hạn chế đô la hóa, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ được đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Khi đó, tất cả nguồn ngoại tệ gửi về Việt Nam muốn gửi tiền tại các ngân hàng thương mại phải đổi từ ngoại tệ sang VND và doanh nghiệp chỉ vay vốn bằng nội tệ. Điều này sẽ có lợi cho chính sách ngoại hối của Việt Nam
Trước đó, tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm 2018 ban hành ngày 2/8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nêu rất rõ cần kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng dự thảo thông tư cần đặt ra mốc thời gian để tiến tới chấm dứt hoàn toàn cho vay bằng ngoại tệ, để doanh nghiệp có sự chuẩn bị, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo chuyên gia tài chính-nhân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ chưa thể thực hiện ngay trong năm 2019 như dự thảo nêu mà nên kéo dài thêm ít nhất 1 năm nữa (2020). Bởi nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ ngay từ đầu năm 2019, các doanh nghiệp sẽ không được vay USD, chuyển sang vay VND sẽ gây áp lực và đẩy lãi suất vay VND lên cao.
Để tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ theo chủ trương chống đô hóa, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần chấm dứt quan hệ vay mượn ngoại tệ, chuyển sang quan hệ mua bán, hướng đến ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Đồng thời, nên mở rộng các điểm được phép mua bán USD để người dân có thể thuận tiện trong mua bán.
Nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã theo đuổi mục tiêu chống đô la hoá nền kinh tế, bằng nhiều hình thức. Từ khi áp dụng lãi suất huy động USD ở mức 0% vào năm 2015, theo thống kê, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm từ 11,06% năm 2014 xuống còn 8,21% cuối năm 2017. Ngoại tệ dư thừa trên thị trường được Ngân hàng Nhà nước mua vào, bổ sung cho dự trữ ngoại hối.