Năm 2017, lãi suất cho vay giảm từ 0,5-1%
Sáng 29/12, tiếp tục ngày làm việc thứ 2 Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương 2017, đánh giá về chính sách điều hành tiền tệ (CSTT) trong năm 2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: NHNN cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Lạm phát cơ bản năm 2017 chỉ duy trì bình quân 1,41%, chứng tỏ công cụ điều hành CSTT đã đi đúng hướng.
Thứ 2, năm 2017, NHNN đã thực hiện đồng bộ các công cụ điều hành để giảm lãi suất điều hành, qua đó các tổ chức tín dụng trong năm 2017 đã giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1%. Nhiều tổ chức tín dụng đã áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, xếp hạng tín nhiệm cao khoảng 4-5%/năm; triển khai chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hỗ trợ giảm chi phí kinh doanh nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Khách hàng giao dịch tại Vietcombank chi nhánh Bắc Giang. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Thứ ba, bên cạnh việc mở rộng tín dụng, hệ thống ngân hàng đã tập trung rất mạnh cho việc đảm bảo an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng rất thận trọng để tránh những tác động bất lợi đến cân đối vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và giữ được an toàn hoạt động NH. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là một số ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dự kiến đến cuối năm dự kiến tăng trên 30%, tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trên 28%, tín dụng nông nghiệp và phát triển nông thôn tăng 21%. Tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro đã được kiểm soát rất chặt theo chỉ đạo của CP và của NHNN.
Thứ tư, về công tác điều hành tỷ giá và điều hành thị trường ngoại hối, đến ngày hôm nay, tổng dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức ở mức xấp xỉ 52 tỷ USD. Công tác điều hành chính sách tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã cung ứng đầy đủ nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho xuất khẩu, kiểm soát được sự ổn định của thị trường ngoại tệ và đặc biệt việc tăng dự trữ ngoại hối có ý nghĩa rất lớn trong việc củng cố vị thế, uy tín quốc gia, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư khi đầu từ vào Việt Nam.
Thứ năm, trong năm vừa qua theo chỉ đạo của Chính phủ thì toàn hệ thống ngân hàng đã rất chủ động và quyết liệt trong việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu để đảm bảo cho hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn bền vững hơn, góp phần thiết thực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, năm 2018 sẽ là năm đặc biệt quan trọng với ngành ngân hàng khi triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng. Do vậy, NHNN sẽ chỉ đạo và hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng để đẩy nhanh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 để tích cực thu hồi nợ; và hướng dẫn triển khai quyết liệt việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Bên cạnh đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của thị trường nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra. Đặc biệt, với việc tăng cường xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cùng với các chính sách điều chủ động và hành linh hoạt của NHNN như giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với mức 45% từ 1/1/2018 và mức 40% từ 1/1/2019; đã ban hành thông tư để tiếp tục cho vay ngoại tệ. Cùng với điều tiết thanh khoản, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh.. sẽ là cơ sở cho việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt hơn.
Đồng thời hệ thống ngân hàng và NHNN tiếp tục điều hành định tỷ giá và thị trường ngoại tệ một cách ổn định; tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, tiếp tục chỉ đạo mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; và tập trung tín dụng cho sản xuất, kinh doanh,các lĩnh vực ưu tiên; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP, và phối hợp với địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.