Khoảng 14 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc giảm 33 xu Mỹ (0,4%) xuống 93,53 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 44 xu Mỹ (0,5%) xuống 86,48 USD/thùng. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều giảm hơn 1 USD trong phiên trước đó.
Theo các nhà vận hành đường ống dẫn dầu ở Hungary và Slovakia, giá dầu đã tăng cao trong phiên ngày 15/11 sau khi nguồn cung dầu tới một số khu vực của Đông và Trung Âu thông qua khu vực đường ống dẫn dầu Druzhba tạm thời bị gián đoạn.
Tại Trung Quốc, số ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư bất chấp hy vọng nổi lên sau thông báo các hạn chế liên quan đến dịch bệnh được nới lỏng trong tuần này.
Vandana Hari, nhà sáng lập Vanda Insights tại Singapore, cho hay Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì chính sách zero-COVID, điều này đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu, trong đó Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại từ 2,1 triệu thúng/ngày trong năm nay xuống 1,6 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Trước đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2022 lần thứ năm kể từ tháng 4/2022 do những thách thức kinh tế ngày càng tăng.
Số liệu ngành cho thấy dự trữ dầu thô giảm nhiều hơn dự kiến của Mỹ đã cung cấp sự hỗ trợ cho giá dầu. Theo nguồn tin thị trường dẫn số liệu Viện Xăng dầu Mỹ (API), dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 5,8 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 11/11.
Số liệu về lượng dầu dự trữ thô Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến được công bố vào lúc 15h30 GMT theo giờ địa phương.
Tại Mỹ, giá sản xuất đã tăng ít hơn dự kiến trong tháng 10/2022, cho thấy lạm phát bắt đầu giảm, có thể cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm chậm lại tốc độ tăng lãi suất.