Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 2,85 USD, tương đương 3%, ở mức 93,14 USD/thùng, sau khi tăng 1,1% vào cuối tuần trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,09 USD, tương đương 3,47%, xuống 85,87 USD/thùng, sau khi tăng 2,9% vào phiên trước đó.
Cuối tuần trước, giá hàng hóa đồng loạt tăng sau khi Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 để rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với ca bệnh và khách du lịch trong nước. Nhưng số ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao ở Trung Quốc vào cuối tuần qua, với Bắc Kinh và các thành phố lớn khác vào ngày 14/11 đã báo cáo số ca nhiễm kỷ lục.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý tài chính Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sẽ chỉ dẫn đến nhiều lệnh phong tỏa hơn trong thời gian tới, do vậy Trung Quốc hiện không phải là động lực hỗ trợ tăng giá cho thị trường dầu”.
Đồng USD cũng tăng so với đồng euro và đồng yen Nhật Bản, khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho các đợt tăng lãi suất tiềm năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau khi một nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này cho biết không nên quá kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm thu lại chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại nếu chỉ dựa vào dữ liệu lạm phát mới nhất.
Đồng USD mạnh hơn làm cho hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác và có xu hướng tạo áp lực giảm lên giá dầu và các tài sản rủi ro khác.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới, với lý do những khó khăn kinh tế tiềm ẩn.
Nguồn cung dầu nội địa của Mỹ cũng tiếp tục tăng. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu tại khu vực Permian ở bang Texas và New Mexico, có trữ lượng dầu đá phiến lớn nhất của nước này, sẽ tăng khoảng 39.000 thùng mỗi ngày, lên mức kỷ lục 5,499 triệu thùng/ngày trong tháng 12 tới.