Giá dầu châu Á phiên sáng 18/5 vẫn gần mức cao nhất trong hơn 1 tháng

Giá dầu tại thị trường châu Á trong phiên sáng 18/5 tăng hơn 1 USD lên mức cao nhất trong hơn 1 tháng qua, nhờ tác động của việc các nước sản xuất dầu cắt giảm sản lượng và những dấu hiệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu đang phục hồi dần khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại.

Chú thích ảnh
Một cơ sở lọc dầu của Công ty dầu khí Shell ở đảo Bukom, ngoài khơi Singapore. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vào lúc 9 giờ 40 phút (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tại thị trường châu Á tăng 1,19 USD (tương đương 3,7%) lên 33,69 USD/thùng, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/4 trong cùng phiên. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tại thị trường châu Á tăng 1,26 USD (4,3%) lên 30,69 USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 16/3.

Giá dầu WTI giao tháng 6/2020 hết hạn vào ngày 19/5 song hiện ít có dấu hiệu cho thấy giá dầu WTI sẽ lặp lại mức giảm kỷ lục vào ngày 20/4 khi giá dầu WTI giao tháng 5/2020 hết hạn trước những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với dầu thô và các chế phẩm dầu mỏ đang hồi phục.

Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ đang giảm khi các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm số giàn khoan dầu và khí đốt xuống mức thấp kỷ lục trong tuần thứ hai liên tiếp. Số liệu này góp phần giảm bớt những quan ngại về tình trạng kho chứa dầu WTI  tại Cushing, Oklahoma (Mỹ) hết công suất chứa.

Về phần mình, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đưa ra một nhận định tích cực về triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ trong nửa cuối năm 2020. Theo ông Powell, nếu không xảy ra đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai thì kinh tế Mỹ sẽ hồi phục dần trong nửa cuối năm 2020.

Ngoài ra, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng “vàng đen”. Quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới là Saudi Arabia tuần trước thông báo sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020 trong khi OPEC+ mong muốn duy trì các mức cắt giảm sản lượng dầu hiện tại sau tháng 6/2020 khi tổ chức này tiến hành cuộc họp tiếp theo.

Còn theo tờ báo Al Rai newspaper của Kuwait, Kuwait và Saudi Arabia đã nhất trí giảm sản lượng của mỏ dầu Al-Khafji mà hai nước khai thác chung trong 1 tháng, kể từ ngày 1/6.

Anh Quân/TTXVN (Theo Reuters)
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 13/5
Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 13/5

Giá dầu châu Á giảm trong phiên giao dịch chiều 13/5 do những lo ngại liên quan đến khả năng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tái bùng phát ở những quốc gia nới lỏng biện pháp phong tỏa, trong khi các số liệu vừa được công bố cho dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN