Cụ thể, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 51 xu Mỹ (0,7%) xuống 69 USD/thùng vào lúc 14 giờ 3 phút ngày 17/8 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 52 xu Mỹ (0,8%) xuống 66,77 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI lần lượt giảm 1,5% và 1,7% trong phiên trước.
Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và những vùng khác đến ngày 12/9 và kéo dài hạn chế tại tại hơn bảy tỉnh, giữa lúc số ca lây nhiễm COVID-19 tăng cao đột biến. Trong khi đó, Australia cảnh báo nguy cơ số ca mắc mới COVID-19 tăng cao ở thành phố Sydney trong những tuần tới, bất chấp việc nước này kéo dài lệnh phong tỏa.
Trước đó, giá dầu châu Á phục hồi vào đầu phiên giao dịch sau khi nhiều nguồn tin cho hay Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, bao gồm Nga (còn được gọi OPEC+), cho rằng thị trường dầu mỏ không cần tăng sản lượng nhiều hơn so với kế hoạch họ đưa ra cho những tháng tới. Bất chấp việc trong tuần vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thúc giục OPEC tăng cường sản xuất năng lượng để giải quyết tình trạng giá xăng tăng cao, nhân tố đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, giới đầu tư ngày càng lo ngại về nhu cầu nhiên liệu yếu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sau khi hoạt động chế biến dầu thô hàng ngày của nước này trong tháng Bảy giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 khi các nhà máy cắt giảm sản lượng vì hạn ngạch siết chặt hơn, lượng dự trữ cao và lợi nhuận giảm.
Hồi tháng Bảy, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng Tám.