Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,06 USD, tương đương 1,7% xuống 119,95 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ New York (WTI) ở mức 118,54 USD/thùng, giảm 2,13 USD, tương đương 1,8%.
Giá dầu giảm sau khi ngày 12/6, các quan chức Trung Quốc cảnh báo về một đợt lây nhiễm COVID mạnh ở Bắc Kinh và công bố kế hoạch xét nghiệm diện rộng ở thủ đô đến ngày 15/6.
Lo ngại về việc nâng lãi suất tăng lên sau khi ngày 10/6, Mỹ công bố số liệu lạm phát của nước này tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981 cũng đang gây sức ép lên thị trường tài chính toàn cầu.
Nhà phân tích Stephen Innes của SPI Asset Management nhận định trong một ghi chú: “Đồng USD mạnh hơn và lo ngại lạm phát đình trệ chứng tỏ xu hướng tăng giá của thị trường đang đảo chiều”. Ông cũng cho rằng Trung Quốc vẫn nhân tố chính làm giảm giá dầu trong ngắn hạn, nhưng hầu hết đều coi việc dần dần bình thường hóa nhu cầu của Trung Quốc là một động lực tích cực đối với dầu mỏ.
Trước đó, cả hai loại dầu thô chuẩn toàn cầu đều tăng hơn 1% vào tuần trước sau khi dữ liệu cho thấy nhu cầu dầu thô rất lớn ở Mỹ, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, bất chấp lo ngại lạm phát và sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thứ hai thế giới sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ từ ngày 1/6.
Các nhà sản xuất và nhà máy lọc dầu đang hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu cao điểm vào mùa Hè, trong khi các nhà giao dịch đang theo dõi chặt chẽ tác động có thể xảy ra từ tranh chấp lao động ở Libya, Na Uy và Hàn Quốc đối với xuất khẩu và tiêu thụ dầu.