Hòa cùng đà giảm trên Phố Wall, giá dầu thế giới đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 13/5), khi những diễn biến liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung gây hoang mang cho giới đầu tư.
Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới. Theo hãng tin Bloomberg, thông báo ngày 13/5 trên trang web của Chính phủ Trung Quốc cho biết gần 2.500 hàng hóa Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin Bộ Tài chính Trung Quốc cho hay Bắc Kinh sẽ áp đặt mức thuế mới với tổng cộng 5.140 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Phản ứng trên được cho là nhằm đáp trả quyết định của Mỹ ngày 10/5 vừa qua về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Bắc Kinh với tổng trị giá 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, bất ổn tại khu vực Trung Đông đe dọa tới nguồn cung dầu toàn cầu, qua đó đẩy giá “vàng đen” tăng trong ba phiên giao dịch liên tiếp sau đó. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Khalid al-Falih, cho biết hai trạm bơm trên đường ống dẫn dầu từ các giếng dầu ở tỉnh miền Đông của nước này tới thành phố Yanbu nằm bên bờ Biển Đỏ đã là mục tiêu bị tấn công trong ngày 14/5.
Đường ống dẫn dầu quan trọng này có chiều dài 1.200 km với công suất vận chuyển ít nhất 5 triệu thùng/ngày. Saudi Arabia coi đây là hành động khủng bố hai ngày sau khi các tàu chở dầu của nước này bị tấn công ngoài khơi bờ biển Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Ngày 16/5, liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã tiến hành một số cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của lực lượng phiến quân nổi dậy Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen. Động thái này diễn ra sau khi Houthi thừa nhận đã tiến hành vụ tấn công hai trạm bơm dầu của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái trước đó.
Ngoài ra, sự thiếu chắc chắn của thị trường về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm nguồn cung sau cuộc họp ủy ban điều phối chung vào ngày 19/5 tới tại Jeddah (Saudi Arabia) hay không cũng hỗ trợ giá dầu. Thỏa thuận này đã góp phần giúp giá dầu tăng hơn 30% từ đầu năm 2019 đến nay.
Mặc dù cuộc họp cuối tuần này có quy mô nhỏ, nhưng theo các chiến lược gia của ING, đây có thể là một phép thử đối với nhu cầu gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu mỏ.Theo kế hoạch, OPEC và các nước đồng minh gồm Nga sẽ họp tại Vienna (Áo) vào ngày 25-26/6 tới, ngay trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng do OPEC khởi xướng hết hiệu lực.
Khép lại phiên cuối tuần ngày 17/5, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 6/2019 giảm 11 xu Mỹ (0,2%), xuống 62,76 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng Năm vào phiên trước. Tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 41 xu Mỹ (0,6%), xuống 72,21 USD/thùng. Dù vậy, tính chung cả tuần qua, giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent lần lượt tăng 1,8% và 2,3%.
Các báo cáo của ING cho thấy lượng xuất khẩu dầu thô của Iran giảm xuống mức 0 theo lệnh trừng phạt của Mỹ đã không được thực hiện triệt để trên thực tế, bởi một lượng lớn tàu chở dầu Iran đã tắt bộ tiếp sóng của họ, điều này đồng nghĩa với việc họ đang bán dầu mà không bị phát hiện.
Cùng ngày, báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho hay, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã giảm tuần thứ hai liên tiếp trong tuần này khi chỉ còn 802 giàn, giảm 3 giàn so với tuần trước đó. Thông tin này chứng tỏ hoạt động khai thác dầu tại Mỹ đang có xu hướng chậm lại, qua đó giúp giá dầu hưởng lợi.