Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 1,06 USD (2,6%), lên 42,67 USD/ounce. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 93 xu Mỹ (2,1%), lên 45,43 USD/ounce.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/8, sau khi giảm đáng kể trong 2 tuần trước đó, cao hơn đáng kể so với mức dự báo giảm 2,9 triệu thùng của các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters. Con số này cũng cao hơn mức dự báo giảm 4 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy, dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla, tăng khoảng 1,3 triệu thùng trong tuần trước, nhưng tổng sản lượng dầu nội địa đã giảm 300.000 thùng xuống còn 10,7 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, EIA còn cho biết nguồn cung xăng giảm 700.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo giảm 2,1 triệu thùng. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 2,3 triệu thùng, sâu hơn nhiều so với mức dự báo giảm 100.000 thùng theo cuộc thăm dò của Platts.
Trở ngại lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ tiếp tục là sự bất ổn liên quan tới dịch COVID-19, khi tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 20 triệu người vào ngày 12/8.
Trong khi đó, báo cáo hàng tháng được công bố ngày 12/8 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 9,06 triệu thùng/ngày trong năm nay, xuống còn 90,6 triệu thùng/ngày, chủ yếu do hoạt động kinh tế suy yếu ở các quốc gia phát triển. Con số này cao hơn mức dự báo giảm 8,95 triệu thùng/ngày được OPEC đưa ra một tháng trước.
OPEC cũng cho hay nhu cầu dầu thế giới trong năm 2021 sẽ tăng 7 triệu thùng lên 97,6 triệu thùng/ngày, không đổi so với dự báo hồi tháng 7/2020. Tuần trước, nhu cầu nhiên liệu của Mỹ tăng lên 19,37 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.