Ngay từ đầu tuần này (15/4), giá dầu thế giới đã đi xuống sau khi Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể quyết định tăng sản lượng để giành giật thị phần với Mỹ - nước có sản lượng khai thác dầu đang ở các mức kỷ lục. Tuy nhiên, xung đột leo thang tại Libya cũng như lượng dầu xuất khẩu ngày càng sụt giảm của Venezuela và Iran đã làm dấy lên những quan ngại về xu hướng thắt chặt nguồn cung toàn cầu, qua đó đẩy giá dầu đi lên trong phiên giao dịch liền sau đó.
Số liệu chính thức công bố ngày 17/4 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này giảm 1,4 triệu thùng, chỉ bằng một nửa con số mà Viện Dầu khí quốc gia Mỹ (API) công bố trước đó, đã khiến giới đầu tư thất vọng và đưa giá dầu quay trở lại quỹ đạo giảm.
Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Innes của công ty SPI Asset Management cho biết nhu cầu dầu đã nhận được sự hỗ trợ từ các số liệu kinh tế của Trung Quốc, theo đó giá dầu sẽ tiếp tục đi lên nhờ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu của giới đầu tư đối với các tài sản rủi ro đều cải thiện. Theo số liệu chính thức, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 6,4% trong quý đầu tiên của năm nay, bất chấp những đồn đoán trước đó về khả năng giảm tốc, giữa lúc các thị trường toàn cầu cũng được trấn an khi Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại.
Phiên giao dịch ngày 18/4, cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần này trước khi thị trường đóng cửa sớm nghỉ lễ Phục sinh, giá dầu lại quay đầu tăng, giữa bối cảnh xuất khẩu dầu thô từ Saudi Arabia-thành viên chủ chốt của OPEC- sụt giảm.
Theo số liệu từ tổ chức Sáng kiến Dữ liệu chung (JODI), xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia trong tháng Hai đã giảm khoảng 277.000 thùng so với tháng trước đó, xuống dưới 7 triệu thùng/ngày.
Ngoài ra, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ giảm mạnh trong tuần này cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Theo báo cáo của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ trong tuần này đã giảm 8 giàn, xuống 825 giàn, trong khi số giàn khoan khí đốt cũng giảm 2, xuống 192 giàn. Tổng số giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động tại Mỹ hiện đã giảm lần đầu tiên theo năm kể từ cuối năm 2016.
Khép lại phiên 18/4, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,24 USD lên 64 USD/thùng. Trong tuần này, giá dầu WTI giao kỳ hạn chỉ nhích 0,2% nhưng vẫn là tuần tăng giá thứ bảy liên tiếp.
Tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn được giao dịch ở mức 71,97 USD/thùng, tăng 0,35 USD so với mức chốt phiên trước đó và gần mức cao của 5 tháng là 72,27 USD/thùng ghi nhận trong phiên ngày 17/4. Dầu Brent đã chứng kiến mức tăng 0,6% trong tuần này, ghi dấu tuần tăng giá thứ thư liên tiếp.