Một cơ sở khai thác dầu tại Jubail, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong phiên giao dịch đầu tuần (11/6), giá dầu WTI đi lên sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq tỏ ý hoài nghi về khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ quyết định gia tăng sản lượng khai thác trong cuộc họp cuối tháng này tại Vienna, Áo.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Jabar al-Luaibi, cho rằng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới không nên bị áp lực bơm thêm dầu ra thị trường giữa bối cảnh có thông tin Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Saudi Arabia và nhiều nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới khác tăng sản lượng khai thác dầu thô trước khi nước này áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran, theo hãng tin CNBC.
Sang phiên giao dịch ngày 12/6, giá dầu WTI và Brent tăng giảm trái chiều sau khi OPEC công bố báo cáo dầu mỏ hàng tháng. OPEC cho biết trong tháng 5/2018 sản lượng của tổ chức này đã tăng 35.000 thùng/ngày lên 31,87 triệu thùng/ngày. OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay ở mức 98,85 triệu thùng/ngày.
Tới phiên 13/6, giá dầu tăng nhẹ khi số liệu chính thức cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn mức dự kiến. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,1 triệu thùng xuống còn 432,4 triệu thùng trong tuần trước đó, ghi dấu mức sụt giảm lớn nhất trong một tuần kể từ cuối tháng 3/2018.
Giá dầu thế giới biến động ngược chiều nhau trong phiên 14/6 giữa bối cảnh đồng USD nhích lên và các nhà giao dịch tiếp tục thận trọng trước thềm cuộc họp quan trọng của OPEC dự kiến diễn ra vào ngày 22 - 23/6 tới tại Vienna (Áo), để bàn về vấn đề sản lượng.
Giá dầu Brent và dầu thô ngọt nhẹ Mỹ từng có thời điểm trong tháng 5 chạm các mức cao trong ba năm rưỡi qua song kể từ đó sụt giảm, phản ánh việc các nhà đầu tư dự đoán thị trường sớm có nguồn cung tốt hơn khi sản lượng dầu thô của Mỹ gia tăng và OPEC cùng các đồng minh của khối này hướng tới tăng sản lượng.
Trong phiên cuối tuần (15/6), giá dầu giảm mạnh, sau khi hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đánh đi tín hiệu về khả năng gia tăng sản lượng tại cuộc họp sắp tới của OPEC. Chốt phiên này, giá dầu Brent giảm 2,5 USD (3,29%) xuống 73,44 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 1,83 USD xuống 65,06 USD/thùng.
Ngày 14/6, Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Saudi Arabia, Khalid al-Falih, tại Moskva (Nga), cả hai nước về cơ bản đều ủng hộ phương án tăng dần sản lượng, sau khi hạn chế sản lượng trong 18 tháng.
OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt, trong đó có Nga, đã cùng tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ tháng 1/2017 và có hiệu lực tới cuối năm 2018. Tuy nhiên, giữa bối cảnh giá dầu thế giới gần đây đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2014, một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt đang thảo luận về khả năng nới lỏng thỏa thuận trên và điều này sẽ được đề cập tại cuộc họp ngày 22 - 23/6 tới.