Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 73 xu Mỹ (1,8%) lên 42,45 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York kỳ hạn tăng 77 xu Mỹ (2%) lên 40,20 USD/thùng. Trong phiên trước, giá cả hai mặt hàng này đều giảm gần 3%.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã nhập khẩu 11,8 triệu thùng/ngày trong tháng Chín, tăng 5,5% so với tháng Tám và tăng 17,5% so với cùng kỳ một năm trước đó, dù vẫn dưới mức cao kỷ lục 12,94 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 13/10 cho biết sự phục hồi kinh tế chậm chạp sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ đẩy lùi thời điểm nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi hoàn toàn đến năm 2025.
Trong báo cáo thường niên Triển vọng Năng lượng Thế giới, IEA đưa ra kịch bản cơ sở, theo đó kinh tế toàn cầu phục hồi vào năm 2021 và nhu cầu năng lượng thế giới phục hồi hoàn toàn vào năm 2023 khi thế giới phát triển được một loại vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19.
Tuy nhiên, trong kịch bản sự phục hồi bị trì trệ, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2023 và nhu cầu năng lượng thế giới sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2025.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trước đó nhận định nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm sâu hơn trong năm nay so với dự báo trước đó do tác động của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” toàn cầu có thể phục hồi chậm hơn vào năm tới, khiến nỗ lực bình ổn giá của OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh trở nên khó khăn hơn.
Trong báo cáo hàng tháng vừa công bố, OPEC cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ giảm 9,46 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn so với mức giảm 9,06 triệu thùng/ngày đưa ra trong báo cáo tháng 8/2020.