Giá dầu thế giới đi lên trong tuần giao dịch vừa qua

Kết thúc tuần giao dịch trồi sụt thất thường vừa qua, giá dầu thế giới tăng nhờ lực đẩy từ các dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế và thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của các nước sản xuất dầu lớn.

 Tuy nhiên, đà tăng của “vàng đen” vẫn bị giới hạn bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Tại một trạm bán xăng của Tập đoàn năng lượng BP (Anh) ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu thế giới tăng khoảng 1 USD mỗi thùng trong phiên giao dịch 29/6, sau khi thị trường tiếp nhận những dữ liệu kinh tế lạc quan từ châu Á và châu Âu. Sự phục hồi lòng tin vào nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng mạnh trong tháng Sáu, với sự cải thiện trên tất cả các lĩnh vực. Theo dữ liệu từ Ủy ban châu Âu (EC), chỉ số lòng tin đối với nền kinh tế khu vực này trong tháng Sáu đã tăng lên 75,7 điểm, so với mức tương ứng 67,5 điểm của tháng Năm, song vẫn thấp hơn dự báo.

Tại Trung Quốc, lợi nhuận của các công ty công nghiệp đã tăng lần đầu tiên sau sáu tháng trong tháng 5/2020, cho thấy sự phục hồi kinh tế của nước này đang vào guồng. Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần này, cũng góp phần hỗ trợ cho giá dầu.

Tuy nhiên, lo ngại về sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới đã khiến giá dầu giảm nhẹ khi đóng cửa ngày giao dịch 30/6. Nhu cầu nhiên liệu đã hồi phục từ sau giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, song số ca mắc COVID-19 đã gia tăng ở các bang thuộc khu vực phía Nam và Tây Nam nước Mỹ. Trong khi đó, các bang ở khu vực Đông Bắc nước Mỹ như New York và New Jersey đã “kéo dài” danh sách các bang mà những người đến từ các bang này sẽ phải trải qua giai đoạn cách ly nghiêm ngặt nhằm phòng tránh dịch COVID-19 lây lan.

Tuy nhiên, giá dầu Brent giao tháng 8/2020 đã tăng 16,5% trong tháng 6/2020 và tăng 81% trong quý II/2020. Trong khi đó, giá dầu WTI đã tăng 12,4% trong tháng 6/2020 và tăng khoảng 95% trong quý II/2020.

Giá dầu đã lấy lại đà tăng trong hai phiên liên tiếp sau đó, nhờ các số liệu kinh tế tích cực. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây công bố số liệu cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 7,2 triệu thùng dầu trong tuần qua, sau khi tăng lên các mức cao kỷ lục trong ba tuần liên tiếp trước đó. Mức giảm này lớn hơn mức dự báo giảm 710.000 thùng của giới phân tích.

Một yếu tố khác hỗ trợ giá dầu trong phiên này là sự cải thiện của hoạt động kinh tế toàn cầu. Hoạt động chế tạo của Mỹ đã hồi phục trong tháng 6/2020, tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm qua khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại. Hoạt động chế tạo của Trung Quốc cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 6/2020. Lĩnh vực chế tạo của Đức giảm chậm lại trong tháng trước, trong khi hoạt động chế tạo của Pháp tăng trưởng trở lại.

Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ cho biết, tổng số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của nước này đã tăng 4,8 triệu trong tháng 6/2020, cao hơn mức dự báo của thị trường.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, giá dầu lại giảm xuống dưới mức 43 USD/thùng, khi sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 đã làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trong nhu cầu dầu có thể chững lại. Dù vậy, tính chung cả tuần, giá dầu vẫn đi lên nhờ nguồn cung suy giảm và những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế.

Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giảm xu Mỹ, hay 0,9%, xuống 42,76 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 44 xu Mỹ, hay 1,1%, và được giao dịch ở mức 40,21 USD/thùng. Hoạt động giao dịch tại Mỹ diễn ra thưa thớt trong phiên này do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Độc Lập.

Mỹ đã ghi nhận hơn 55.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 2/7. Sự gia tăng này cho thấy đà gia tăng việc làm của Mỹ có thể giảm tốc sau khi tăng lên trong tháng Sáu. Chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu PVM nhận định đà phục hồi kinh tế mong manh của Mỹ đang có nguy cơ đảo chiều do sự gia tăng mạnh trong số ca nhiễm mới COVID-19.

Những dấu hiệu phục hồi kinh tế và sự suy giảm trong nguồn cung dầu sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã đẩy giá dầu Brent tăng hơn gấp hai lần từ mức thấp nhất trong 21 năm qua là 16 USD/thùng ghi nhận hồi tháng Tư.

Khánh Ly (TTXVN)
Giá dầu châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng
Giá dầu châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng

Giá dầu tại thị trường châu Á giảm xuống dưới 43 USD/thùng trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 3/7), khi sự gia tăng trở lại số ca nhiễm COVID-19 làm dấy lên lo ngại rằng đà tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu sẽ chững lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN