Hai tuần gần đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Thái tử Abdulaziz bin Salman, đã nêu tối hậu thư cho Angola và Nigeria, thúc ép hai nước này đệ trình bản cam kết chi tiết về cắt giảm sản lượng. Quan điểm cứng rắn của Riyard có nguy cơ tạo ra một cuộc tranh cãi mới trong nội bộ OPEC.
Nó xuất hiện vài tháng sau khi Saudi Arabia mở cuộc chiến giá dầu nhằm vào đồng minh thị trường lâu năm là Nga, sau khi hai bên không nhất chí được về nguồn cung toàn cầu khi đại dịch COVID-19 lây lan mạnh.
Cuộc chiến giá dầu hồi đầu tháng 3 đã khiến giá dầu lao dốc, giảm 25% tại thị trường Mỹ, xuống mức thấp nhất từ năm 2016. Đến tháng 4, Saudi Arabia và Nga giải quyết được bất đồng, cùng tham gia vào nỗ lực của nhóm 23 nước (OPEC+) về cắt giảm 10% sản lượng. Thỏa thuận này sau đó được tiếp tục gia hạn hôm 6/6 vừa qua.
Tại hội nghị trực tuyến Bộ trưởng dầu mỏ OPEc hôm 18/6 vừa qua, Thái tử Abdulaziz bắn tín hiệu cho biết Saudi Arabia sẽ bán dầu kèm với mức chiết khấu lớn để loại Angola và Nigeria sau đại diện hai nước này cho biết chưa sẵn sàng cam kết mức cắt giảm cụ thể. “Chúng tôi biết ai là khách hàng của các anh”, một nguồn tin giấu tên dẫn lời Thái tử Abdulaziz.
Angola và Nigeria phần lớn bán dầu nhẹ, giá cao cho Trung Quốc và Ấn Độ. Bộ trưởng dầu mỏ Angola và Nigeria không trả lời câu hỏi khi phóng viên tờ The National đề nghị cho biết phản ứng. Còn người phát ngôn Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia nói rằng ông chưa thể đưa ra bình luận gì ở thời điểm này.
Sau khi đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng, quan hệ trong nội bộ khối OPEC vẫn tiếp tục căng thẳng. Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo từ chối cuộc điện đàm của Thái tử Abdulaziz, không tham dự cuộc họp hôm 18/6, cử cố vấn thay mặt dự cuộc gặp trực tuyến. Rạn nứt giữa hai nước có thể sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng khi Angola sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của OPEC trong năm 2021.