Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2/2022 hạ 6 xu Mỹ, xuống 86,90 USD/thùng, khép lại phiên giao dịch cuối cùng hợp đồng mua bán dầu kỳ hạn này. Giá dầu WTI đã tăng 15% kể từ đầu năm nay. Giá dầu WTI giao tháng 3/2022 cũng giảm 25 xu Mỹ, xuống 85,55 USD/thùng.
Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn mất 6 xu Mỹ, xuống 88, USD/thùng, sau khi tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 vào phiên trước đó.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 515.000 thùng trong tuần trước trong khi dự trữ xăng tăng 5,9 triệu thùng, đẩy lượng tồn kho này lên mức cao nhất trong một năm.
Hoạt động giao dịch trên thị trường dầu mỏ đã bị chi phối bởi những lo ngại về nguồn cung, từ các vấn đề ngắn hạn như tạm ngừng dòng chảy dầu của đường ống dẫn từ Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ cho đến sự thiếu nhất quán của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những quốc gia sản xuất dầu liên minh (OPEC+) trong việc đạt được mục tiêu chung về tăng nguồn cung.
Trong khi đó, nhu cầu năng lượng trên toàn cầu vẫn ổn định, với lượng tiêu thụ dầu thô của Mỹ đạt mức trung bình 21,2 triệu thùng/ngày trong bốn tuần qua, vượt mức trước đại dịch.
Các hoạt động quân sự của phiến quân Houthi đối với Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 của OPEC, càng làm gia tăng rủi ro địa chính trị.
Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 19/1 cho biết OPEC+ đã sản xuất khoảng 800.000 thùng dầu/ngày, thấp hơn mức sản lượng mục tiêu trong tháng 12/2021. IEA cho biết trong khi thị trường dầu có thể thặng dự đáng kể trong quý 1/2022, dự trữ dầu thô có thể thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Cơ quan này cũng nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022.