Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 6 xu Mỹ, hay 0,07% xuống 82,25 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 11 xu Mỹ, hay 0,14% và đóng phiên ở mức 78,39 USD/thùng.
Mỹ cho biết sẽ xuất hàng triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong sự phối hợp với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh, nhằm nỗ lực hạ nhiệt giá dầu sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, “phớt lờ” lời kêu gọi gia tăng sản lượng hơn nữa.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng biện pháp trên có thể chỉ có tác động trong ngắn hạn, do sự thiếu đầu tư vào sản xuất dầu suốt nhiều năm qua và sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn cầu từ đại dịch COVID-19. Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs cho biết biện pháp phối hợp nói trên có thể tăng nguồn cung dầu thô thêm khoảng 70-80 triệu thùng, ít hơn mức hơn 100 triệu thùng theo dự đoán của thị trường.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến phản ứng của OPEC+ với động thái trên của Mỹ và các nước khác. Nhóm này dự kiến sẽ có cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Trong khi đó, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 1 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược với dự đoán giảm 481.000 thùng của giới phân tích. Nhưng lượng dầu thô dự trữ trong Kho Dự trữ chiến lược của nước này lại giảm xuống còn 604,5 triệu thùng trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2003.
Số giàn khoan dầu hoạt động của Mỹ đã tăng 6 giàn trong tuần này lên 467 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020, do giá dầu cao đã thu hút nhiều công ty khai thác trở lại.
Ngoài ra, giá dầu còn bị ảnh hưởng bởi số ca nhiễm COVID-19 đang tăng cao và phá vỡ các con số kỷ lục trước đó ở nhiều nơi của châu Âu, khiến nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại.