Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Một giảm 17 xu Mỹ xuống 87,45 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Mười Hai giảm 35 xu Mỹ xuống 79,73 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giao tháng Một giảm 7 xu Mỹ xuống 80,04 USD/thùng.
Vào đầu phiên, giá cả hai mặt hàng đã giảm hơn 5 USD/thùng và xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi Thời báo Phố Wall đưa tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ xem xét mức tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12.
Sau đó, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế sau khi hãng thông tấn nhà nước SPA đưa tin Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman khẳng định vương quốc này vẫn kiên trì với chính sách cắt giảm sản lượng và không thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu với các nhà sản xuất dầu khác.
Chuyên gia John Kilduff, tại công ty quản lý tài sản Again Capital LLC có trụ sở ở New York (Mỹ), cho rằng tuyên bố từ Saudi Arabia đã đảo ngược toàn bộ tình hình chỉ trong vài phút.
Trong khi đó, kỳ vọng lãi suất tiếp tục tăng đã hỗ trợ đồng bạc xanh, khiến các hàng hóa định giá bằng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư.
Đồng USD đã tăng 0,9% so với đồng yen. Nhà phân tích Tina Teng của công ty tài chính CMC Markets (Vương quốc Anh) cho rằng ngoài triển vọng nhu cầu suy yếu do các biện pháp kiềm soát dịch COVID-19 của Trung Quốc, đà tăng của đồng USD cũng là một yếu tố làm giảm giá dầu.