Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,35 USD (1,6%) lên 87,47 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 86 xu Mỹ (1,1%) lên 81,01 USD/thùng.
Kinh tế Mỹ đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý IV/2022, tuy nhiên thước đo về nhu cầu trong nước đã tăng với tốc độ chậm nhất trong hai năm rưỡi, cho thấy chi phí đi vay cao hơn.
Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho biết giá dầu đã nhận được sự tiếp sức” bất ngờ từ số liệu kinh tế Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu dự trữ tại nước này đã tăng khoảng 533.000 thùng lên 448,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/1. Con số này thấp hơn so với dự báo tăng 1 triệu thùng, mặc dù EIA cho biết dự trữ dầu thô đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2021.
Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt về dịch COVID-19 trong tháng này, với việc Bắc Kinh mở lại biên giới lần đầu tiên sau ba năm dịch COVID-19 lây lan.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết việc Trung Quốc mở cửa trở lại đang hỗ trợ triển vọng nhu cầu. Ngoài ra, những người tham gia thị trường đang theo dõi sát sao cuộc họp sắp tới của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, và lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga.
Cuộc họp của OPEC+ diễn ra vào ngày 1/2 có thể sẽ xác nhận mức sản lượng hiện tại của nhóm này.
Một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ khó vượt quá 2% trong năm nay, cho thấy khả năng có thể bị hạ thấp hơn nữa. Điều đó trái ngược với sự lạc quan bao trùm trên thị trường kể từ đầu năm.