Trong phiên giao dịch đầu tuần (12/10), giá dầu thế giới giảm khoảng 3% do nguồn cung từ Mỹ, Libya, Na Uy tiếp tục phục hồi trở lại. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giảm 1,13 USD (2,6%) xuống 41,72 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI giảm 1,17 USD (2,9%) xuống 39,43 USD/thùng.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới đã phục hồi trong phiên giao dịch 13/10, nhờ số liệu khả quan về kinh tế Trung Quốc, song đà tăng vẫn bị hạn chế do dự báo nhu cầu dầu toàn cầu phục hồi chậm. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 73 xu Mỹ (1,8%) lên 42,45 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ New York kỳ hạn tăng 77 xu (2%) lên 40,20 USD/thùng.
Giá dầu thế giới tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch 14/10 khi OPEC+ tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi tháng 9/2020. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao tháng 12/2020 tăng 87 xu (2,05%) lên 43,32 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cũng tăng 84 xu (2,09%) lên 41,04 USD/thùng.
Trong phiên 15/10, giá dầu quay đầu giảm khi các hạn chế mới nhằm ngăn chặn số ca lây nhiễm COVID-19 đã làm lu mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng. Kết thúc phiên giao dịch này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 16 xu (0,4%) xuống 43,16 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI cũng giảm 8 xu (0,2%) xuống 40,96 USD/thùng.
Chốt phiên cuối tuần 16/10, giá dầu Brent giao tháng 12 giảm 23 xu, hay 0,5%, xuống 42,93 USD/thùng tại sàn ICE Futures Europe, trong khi giá dầu West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 11/2020 của Mỹ giảm 8 xu Mỹ, hay 0,2%, xuống 40,88 USD/thùng tại Sàn giao dịch hàng hóa New York.
Trong cả tuần, hai loại dầu trên tăng tương ứng 0,7% và 0,2%.
Giá dầu nhận được sự hỗ trợ trong tuần qua sau khi Saudi Arabia và Nga nhắc lại cam kết duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Nhà phân tích về thị trường dầu mỏ Paola Rodriguez-Masiu thuộc Rystad Energy cho rằng điều đó đưa đến khả năng OPEC+ có thể hành động mạnh hơn, hoặc giải quyết tình trạng một số thành viên không tuân thủ thỏa thuận hoặc xem xét lại kế hoạch tăng sản lượng trở lại từ tháng 1/2021. Nếu khả năng này trở nên thiếu cơ sở sau cuộc họp của OPEC+, giá dầu có thể chịu sức ép trong tuần tới.
Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng của OPEC+ dự kiến sẽ họp vào ngày 19/10.
Nhà phân tích Edward Moya tại Oanda cảnh báo việc Libya nối lại hoạt động khai thác một số mỏ có thể làm phức tạp thêm vấn đề nguồn cung. Bloomberg ngày 15/10 đưa tin sản lượng của Libya tăng lên khoảng 500.000 thùng/ngày sau khi mở cửa một số cơ sở trở lại trong tháng trước sau khi đóng cửa hồi đầu năm do bị phong tỏa.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư tại BDSwiss Group cho rằng thị trường lo ngại sự gia tăng các biện pháp phong tỏa tại châu Âu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu.
Tại Mỹ, số liệu được công bố ngày 16/10 cho thấy sản lượng công nghiệp tháng Chín giảm 0,6%, gây bất ngờ cho các nhà kinh tế.