Trong phiên giao dịch đầu tuần (18/12), giá hai mặt hàng chủ chốt trên thị trường đi ngược chiều nhau. Phiên này, giá dầu Brent đi lên trước thông tin đường ống dẫn dầu biển Bắc tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố rò rỉ và cuộc đình công trong ngành năng lượng ở Nigeria. Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) lại chịu sức ép do tâm lý lo ngại về xu hướng tăng sản lượng khai thác của Mỹ.
Một trạm bán xăng dầu ở thủ đô Mexico City, Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN |
Bước sang phiên giao dịch ngày 19/12, giá dầu thế giới gia tăng giữa bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu chính thức về lượng dự trữ dầu của Mỹ. Đồng USD yếu cũng làm cho giá dầu - vốn được giao dịch bằng đồng tiền này - trở nên hấp dẫn hơn đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác. Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm 0,27% xuống 93,446 vào cuối phiên giao dịch.
Trong phiên giao dịch ngày 20/12 và 21/12 giá dầu thế giới tiếp tục tăng nhờ báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự kiến. Ngoài ra, việc hệ thống đường ống dẫn dầu Forties tại khu vực Biển Bắc thuộc Anh tiếp tục ngừng hoạt động cũng là nhân tố hỗ trợ giá “vàng đen”.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) Mỹ cho hay dự trữ dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tuần kết thúc vào ngày 15/12 đã giảm 6,5 triệu thùng, vượt mức giảm dự báo của giới phân tích. Hiện lượng dự trữ dầu thô của Mỹ, không tính kho dự trữ dầu chiến lược, ở mức 436,5 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2015. Sự sụt giảm kho dầu dự trữ là do Mỹ đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và nỗ lực kiềm chế nguồn cung của một số nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt.
Trong phiên cuối tuần (22/12), giá dầu vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2015, trước cam kết hỗ trợ giá “vàng đen” của các nhà sản xuất dầu mỏ. Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 35 xu Mỹ lên 65,25 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2015; còn giá dầu WTI tăng 11 xu Mỹ lên 58,47 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa năm 2015. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga, Alexander Novak, cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Nga có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng, để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung.
OPEC và 10 nhà sản xuất dầu mỏ khác không thuộc tổ chức này hồi tháng trước đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tới hết năm 2018. Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait, Bakhit al-Rashidi cho biết, mức độ tuân thủ thỏa thuận trên hiện đạt 122%, mức cao nhất kể từ khi thỏa thuận này đi vào thực thi.
Sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ đã tăng 16% kể từ giữa năm 2016, đạt 9,8 triệu thùng/ngày, gần với mức của các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu như Saudi Arabia với 10 triệu thùng/ngày và Nga (11 triệu thùng/ngày). Điều này đang làm suy yếu các nỗ lực tái cân bằng thị trường của OPEC và các nước sản xuất dầu mỏ khác.