Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.000 đồng/kg, giá bình quân là 4.850 đồng/kg, tăng 30 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.250 đồng/kg, trung bình là 6.070 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá các loại gạo cũng có sự tăng rất nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.200 đồng/kg, giá bình quân 9.057 đồng/kg, tăng 71 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.000 đồng/kg, giá bình quân 8.835 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.800 đồng/kg, giá bình quân 8.592 đồng/kg, tăng 67 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, giá lúa khô ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng nhẹ. Tại Sóc Trăng, giá các loại lúa vẫn ổn định như: Đài thơm 8 là 7.500 đồng/kg, OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg, riêng ST24 tăng 100 đồng/kg ở mức 8.050 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, một vài loại lúa có mức tăng 100 đồng/kg, như lúa OM5451 là 6.400 đồng/kg; IR50404 ở mức 5.900 đồng/kg và Đài thơm 8 là 6.700 đồng/kg.
Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa IR50404 ở mức 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine giảm 100 đồng/kg còn 6.500 đồng/kg; OM4218 ở mức 6.100 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa gạo nhìn chung ổn định. Giá lúa tươi như OM9582 từ 4.800 - 4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.600 - 5.800 đồng/kg; OM6976 từ 5.000 đồng/kg; Nàng hoa từ 6.000 - 6.100 đồng/kg; riêng IR50404 giảm 100 đồng/kg, từ 4.500 - 4.800 đồng/kg.
Về giá gạo, gạo thường từ 10.500 - 11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg, gạo Nhật 17.000 đồng/kg.
Nhằm khơi thông chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn vay không có tài sản bảo đảm.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hạn mức cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn còn thấp; thời gian cho vay ngắn và hầu hết các thủ tục giải ngân đều yêu cầu doanh nghiệp phải có hợp đồng xuất khẩu gạo, trong khi tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội đang hết sức khó khăn.
VFA kiến nghị, các tổ chức tín dụng giãn nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ và cho vay thêm theo hình thức tín chấp hoặc tăng thêm hạn mức, bổ sung nguồn vốn lưu động với lãi suất hỗ trợ để các doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Trong khi giá lúa gạo trong nước có xu hướng tăng thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong 18 tháng do đồng baht sụt giảm. Nhu cầu gạo từ châu Phi tăng khiến giá gạo của Ấn Độ leo lên gần mức cao nhất trong hai tháng.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống từ 0 - 6 USD/tấn vào ngày 23/9, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2019, so với mức giá từ 0 - 393 USD/tấn vào tuần trước đó.
Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho biết, đồng baht giảm giá đã góp phần làm giảm giá gạo xuất khẩu của Thái Lan. Thị trường nước này dự kiến sẽ không có thêm nguồn cung gạo mới cho đến tháng 11/2021. Đồng baht đã giảm khoảng 3% giá trị kể từ cuối tháng 8/2021, dẫn đến giá gạo xuất khẩu của nước này thấp hơn sau khi chuyển đổi tiền tệ.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ổn định ở mức từ 360 - 365 USD/tấn. Nhu cầu mua gạo của châu Phi đã được cải thiện một chút nhưng nhu cầu của châu Á vẫn thấp. Gạo Ấn Độ có thể chiếm tới 45% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu vào năm 2021, do năng lực xếp dỡ của các cảng hàng hóa được nâng cao. Trong khi đó, nước láng giềng Bangladesh đã mở một cuộc đấu thầu quốc tế để mua 50.000 tấn gạo nhằm bổ sung vào lượng dự trữ trong nước đang còn thấp.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong phiên cuối tuần đứng ở mức từ 415 - 420 USD/ tấn, so với mức từ 410 - 420 USD/tấn vào tuần trước. Một thương nhân có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động mua bán diễn ra trầm lắng. Việt Nam đang nới lỏng dần các hạn chế di chuyển liên quan đến đại COVID-19, vì vậy hoạt động giao dịch có thể hồi sinh trong những tuần tới. Thêm vào đó, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ rẻ hơn có thể giữ cho giá gạo Việt Nam không tăng.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch Chicago của Mỹ (CBOT) biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 24/9, với giá ngô giảm còn giá đậu tương và lúa mỳ lại tăng.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 2,25 xu Mỹ (0,47%), xuống 5,2675 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 lại tăng 6 xu Mỹ (0,84%) lên 7,2375 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 0,75 xu Mỹ (0,06%) lên 12,85 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Khối lượng giao dịch tại CBOT khá hạn chế trong phiên này, trước khi khu vực Trung Tây nước Mỹ bước vào cao điểm thu hoạch vào cuối tuần. Các nhà máy sản xuất ethanol đang bắt đầu tích cực hơn trong việc mua vào ngô do lo ngại rằng tiến độ thu hoạch sẽ khiến họ không mua được lượng ngô như kế hoạch đề ra. Trong khi đó, các nông dân trồng ngô tiếp tục thông báo về năng suất ngô đáng thất vọng trong niên vụ này.
Sản lượng ngô của Ukraine, với 4% đã thu hoạch, chỉ đạt 77,2 bushels/mẫu Anh (1 mẫu Anh = 0,4ha). Con số này cải thiện một chút so với năm ngoái nhưng thấp hơn nhiều so với dự báo 115 bushels/mẫu Anh cho toàn bộ vụ thu hoạch. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn chăn nuôi, kết quả vụ thu hoạch ngô năm 2021 của Ukraine đang đóng vai trò thực sự quan trọng.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy, giá cà phê Robusta và Arabica trên thị trường thế giới cũng biến động ngược chiều trong phiên giao dịch cuối tuần 24/9.
Kết thúc phiên giao dịch này, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2021 tại thị trường London giảm 11 USD/tấn, xuống mức 2.135 USD/tấn, còn loại giao tháng 1/2022 giảm 1 USD/tấn, xuống mức 2.118 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 tăng 1,4 xu/lb lên mức 192 xu/lb trong khi loại giao tháng 3/2022 tăng 1,35 xu/lb lên mức 194,75 xu/lb (1lb = 0,4535 kg).
Giá cà phê Arabica bật tăng liên tiếp, với mức tăng tới 6,43% trong 4 phiên liên tiếp vừa qua, do vẫn còn nguyên mối lo khô hạn ở khu vực vành đai trồng cà phê ở Brazil. Tuy nhiên, các nhà nông sản học cho biết mưa mùa Xuân chỉ bắt đầu phủ khắp để kích thích cây cà phê ra hoa vào đầu tháng Mười, trong khi khô hạn hiện tại là giai đoạn rất cần thiết để cây phân hóa mầm hoa vụ mới. Có vẻ thị trường đã quá lo lắng sau đợt sương giá gây hại vào tháng 7/2021 và nguy cơ sụt giảm sản lượng vào năm 2022.
Giá cà phê Robusta đi xuống do mối lo nguồn cung thiếu hụt dẫn đến lượng tồn kho trên sàn London tiếp tục sụt giảm. Tuy vậy, khối lượng thương mại trong phiên rất thấp, thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư khi các chỉ số kỹ thuật cho thấy thị trường này đã vào vùng “quá mua”. Quá mua là khi giá đã tăng đáng kể trong một khoảng thời gian xác định mà không có nhiều nhịp điều chỉnh đáng kể.
Tại Việt Nam, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 100 đồng, lên dao dộng trong biên độ từ 40.900 - 41.500 đồng/kg.
Từ đầu tuần đến nay, vùng Tây Nguyên của Việt Nam đón lượng mưa lớn do hoàn lưu bão số 6 gây ra, trong bối cảnh người nông dân trồng cà phê sắp bước vào vụ thu hoạch năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương tại khu vực này vẫn đang phải áp dụng các biện pháp mạnh để phòng dịch COVID-19.