Theo số liệu được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 7/10, chỉ số giá lương thực và thực phẩm thế giới - thể hiện sự thay đổi hằng tháng về giá các mặt hàng trong một rổ hàng hóa lương thực - đạt mức trung bình 136,3 điểm trong tháng 9 vừa qua, giảm 1,1% so với tháng trước đó. Mặc dù vậy, chỉ số này vẫn cao hơn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
FAO cho biết sự sụt giảm chỉ số giá lương thực trong tháng 9 là do giá dầu thực vật giảm mạnh, trong khi giá đường, thịt và các sản phẩm từ sữa cũng giảm ở mức vừa phải. Mức giảm giá của các mặt hàng trên đã phần nào bù đắp được cho việc giá ngũ cốc có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo FAO, giá lúa mì tăng do tâm lý lo ngại sự bấp bênh của thỏa thuận do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian, theo đó cho phép Ukraine vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen cũng như xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Ngoài ra, tình trạng khô hạn ở Argentina và Mỹ cũng góp phần làm tăng giá ngũ cốc toàn cầu. FAO đã một lần nữa hạ mức dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới trong năm nay, với mức giảm dự kiến là 1,7%.
Theo cơ quan này, 45 quốc gia, trong đó có 33 quốc gia ở châu Phi, 9 quốc gia ở châu Á, 2 quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, cùng 1 quốc gia ở châu Âu "đang cần hỗ trợ lương thực". Tháng trước, LHQ đã cảnh báo nguy cơ sẽ có hơn 1 triệu người bị đói và chết đói nếu không được viện trợ nhân đạo.
Trước đó, tháng 7 vừa qua, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã ký Sáng kiến Biển Đen ký kết hồi tháng 7 vừa qua nhằm loại bỏ những rào cản với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm lương thực của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen và xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Thỏa thuận này dự kiến hết hiệu lực 19/11 tới.