Ghi nhận trong ngày 2/2 (tức ngày 28 Âm lịch), nhiều mặt hàng rau xanh và củ quả tại chợ Tân Quy (quận 7), Phước Bình (quận 9), chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức)… đang tăng giá nhẹ. Chẳng hạn như rau cải xanh có giá 12.000 - 20.000 đồng/kg (tăng giá 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước), bầu bí có giá 15.000 - 25.000 đồng/kg, cà chua có giá 20.000 - 25.000 đồng/kg (tăng 500 đồng), bông cải súp lơ xanh có giá 40.000 - 60.000 đồng/kg (tăng 700 đồng/kg), khoai tây có giá 45.000 - 55.000 đồng/kg…
Không chỉ mặt hàng rau xanh tăng giá nhẹ, các mặt hàng trái cây phục vụ thị trường Tết khi về chợ lẻ cũng tăng giá khoảng 10 - 20% so với đầu tuần, như bưởi da xanh có giá 50.000 - 80.000 đồng/kg tùy loại, dưa hấu có giá 20.000 - 45.000 đồng/kg, quýt đường có giá 60 - 80.000 đồng/kg, thanh long có giá 30.000 - 45.000 đồng/kg…
Theo lý giải của một số tiểu thương tại chợ Phước Bình, các loại rau xanh, củ quả đang tăng giá nhẹ do dịp Tết chi phí vận chuyển, nhân công làm việc đều tăng gấp 1-2 lần nên tiểu thương phải tăng giá bán đầu ra. Hiện sức mua các mặt hàng này cũng tăng khoảng 20% so với những ngày trước, bởi thời điểm này là cao điểm mua dự trữ Tết. "Trong 1-2 ngày tới, giá các mặt hàng này cũng sẽ tăng lên khoảng 1 - 2 giá để bù trừ vào các chi phí phát sinh vận chuyển, nhân công tăng theo", một tiểu thương cho biết.
Trong khi đó, đại diện ban quản lý chợ nông sản Thủ Đức cho biết, lượng rau củ, quả về chợ đầu mối cũng đang tăng dần. Nếu như ngày 31/1, lượng hàng nhập về chợ khoảng 5.500 tấn thì ngày 1- 2/2 đã tăng lên khoảng 6.700 tấn… Lượng hàng về nhiều nên giá nhiều nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ thị trường Tết như xoài, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, dưa hấu dài, đu đủ… sẽ giảm nhẹ vào những ngày cao điểm Tết do nguồn cung dồi dào, phong phú.
“Hiện ban quản lý chợ nông sản Thủ Đức đang phối hợp với các tiểu thương theo dõi sát tình hình cung cầu hàng hóa nhằm kịp thời điều phối, ổn định giá bán ở mức tốt nhất. Từ nay đến nghỉ Tết, ban quản lý sẽ lấy mẫu để kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Nếu phát hiện vi phạm, ban quản lý sẽ cấm nhập chợ và xử lý ở mức cao nhất nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân vui xuân, đón Tết”, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, để tránh tình trạng một số mặt hàng dội chợ, giảm giá như Tết năm 2018, nhất là mặt hàng hoa tươi cắt cành, rau củ quả... ngay từ bây giờ, các tiểu thương không nên thách giá nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể chọn mua sớm. Các nhà phân phối, tiểu thương cũng cần thực hiện nghiêm túc việc niêm yết và giảm giá để người dân có nhiều kênh mua sắm giá rẻ, an toàn; tránh tình trạng thiếu hàng, khan hàng tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán.
Để đảm bảo nguồn rau, củ, quả sạch phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, trước đó, ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất rau sạch trên địa bàn thành phố tập trung sản xuất các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường và bình ổn giá.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, hiện tổng diện tích rau sản xuất phục vụ Tết Nguyên đán năm 2019 của thành phố là 910 ha, trong đó tỷ lệ rau ăn lá chiếm hơn 36%, cây ăn quả chiếm hơn 29% và rau muống nước chiếm hơn 34%. Sản lượng dự kiến khoảng hơn 23.600 tấn, tăng hơn 15% so với năm trước.
Để tránh tình trạng thiếu hàng sốt giá, cung vượt cầu, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên rà soát, thống kê số liệu các mặt hàng nông sản đang sản xuất, định hướng để người dân sản xuất theo nhu cầu thực tế của thị trường; đồng thời các hợp tác xã tổ chức sản xuất rau cũng tập trung nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Sở cũng tổ chức tham gia ký kết với các tỉnh lân cận cung cấp nguồn hàng rau, củ, quả sạch để bình ổn giá và đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2019.