Về nguồn cung thịt lợn, từ đầu năm 2017 cho tới những tháng gần đây, Việt Nam đang trong cuộc khủng hoàng thừa lớn nhất từ trước tới nay. Khả năng hấp thụ của thị trường có hạn nên giá giảm, khiến cho ngành thịt lợn gặp nhiều khó khăn.
Đề cập đến nguồn cung và giá cả các sản phẩm chăn nuôi dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - NN&PTNT) nhận định: “Năm nay, các sản phẩm chăn nuôi sẽ rất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Không những thế, người tiêu dùng đều được sử dụng sản phẩm thịt giá rẻ, chất lượng tốt. Đặc biệt dịp tết Nguyên đán này sản phẩm chăn nuôi rất dồi dào, chúng ta không sợ khủng hoảng thiếu như các năm trước. Tôi cho rằng đây là mặt tích cực của ngành chăn nuôi trong năm 2017”.
Hiện nay, giá lợn hơi vẫn duy trì ở mức thấp từ 28.000 – 34.000 đồng/kg. Với mức giá này và nguồn cung vẫn đang dồi dào thì giá thịt lợn dịp Tết cũng khó có khả năng biến động mạnh.
Để giải quyết khó khăn dư thừa của ngành chăn nuôi ông Dương cho biết thêm, tham gia chuỗi liên kết là một trong những vấn đề cấp bách người chăn nuôi cần làm ngay. Bộ NN&PTNT xác định rõ tầm quan trọng, vai trò của liên kết, chuỗi liên kết giá trị trong nông sản nói chung, đặc biệt đối với ngành chăn nuôi vì tính hàng hóa của ngành chăn nuôi rất rõ, nhất là ngành thịt lợn.
Nguồn cung rau xanh dồi dàoRau xanh cũng là một trong những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo các công ty trồng rau sạch. Rất khó dự đoán nguồn cung rau, vì phục thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc quản lý chất lượng của hệ thống cửa hàng Bác Tôm cho biết, nếu thời tiết thuận lợi, trời rét, không mưa và có nắng thì rau sẽ lên đều, nguồn cung dồi dào. Tuy nhiên, nếu trời rét, có sương muối thì rau sẽ khó lên, nguồn cung hạn chế. Do vậy, việc dự đoán nguồn cung rau cho thị trường phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết.
Ông Chiến cho biết thêm, như năm ngoái, trời rét, có mưa, sương muối nên nguồn cung rau khan hiếm, giá cả tăng mạnh. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào nông nghiệp, trồng rau trong nhà kính. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều, chỉ đáp ứng được cho một vài hệ thống siêu thị. Do vậy, nguồn cung rau vẫn phụ thuộc phần lớn vào điều kiện thời tiết.
Nguồn cung rau xanh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Ảnh: Nguyễn Dũng/ TTXVN |
Nhận định về điều kiện thời tiết năm nay cho nông nghiệp, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho rau phát triển. Thêm nữa, từ nay tới Tết nguyên đán, thời gian còn khá dài, nên bà con nông dân cũng chủ động trong công việc chuẩn bị nguồn rau cho dịp Tết. Hơn nữa, vòng quay của rau nhanh, ví dụ rau ăn lá từ 20 – 25 ngày, các giống rau lạnh như: su hào, bắp cải 55 ngày... Do vậy, chúng tôi hoàn toàn không ló lắng về nguồn cung rau xanh trong dịp Tết năm nay.
Về vấn đề chống lạnh cho cây trồng, ông Định cho biết thêm, nếu có xảy ra sương muối thì bà con nông dân có thể phủ ni lông, hoặc để rơm rạ ở gốc, tưới phun buổi sáng để làm tan giá. Tuy nhiên, hiện tượng sương muối chủ yếu xảy ra ở vùng núi. Vì vậy, sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nguồn cung rau năm nay.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng cao vào gần dịp Tết, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Mậu Tuất 2018. Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã dự trữ các mặt hàng thiết yếu, như thịt lợn, bò, gà, trứng, thủy sản... với tổng trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng (tăng 5% so với năm 2016); phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Hapro cùng 22 phiên chợ hàng Việt Nam và 100 chuyến bán hàng lưu động về nông thôn.
Fivimart dự kiến lượng hàng hóa dự trữ trong hệ thống siêu thị tăng khoảng 30% so với năm ngoái, với trị giá gần 300 tỷ đồng. Hệ thống siêu thị BigC cũng sẽ cung ứng đầy đủ hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá cả, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt. Riêng thịt gia súc, gia cầm tươi sống được siêu thị chuẩn bị với số lượng 400-500 tấn.