Tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.291,81 USD/ounce lúc 13 giờ 52 phút giờ Việt Nam, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/6/2018 là 1.292,01 USD/ounce trong cùng phiên. Giá vàng tại Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,7% lên 1.292,90 USD/ounce.
Peter Fung, chuyên gia tại trung tâm Wing Fung Precious Metals tại Hong Kong (Trung Quốc), cho biết đồng USD yếu đã hỗ trợ cho giá vàng. Mọi người quan tâm đến vàng hơn khi thị trường chứng khoán chịu áp lực và vàng đang được coi là "nơi trú ẩn an toàn". Trong phiên giao dịch này, chỉ số đồng USD đã giảm hơn 0,3%.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã trải qua một năm 2018 tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 5,6% tính chung cả năm 2018, S&P 500 để mất 6,2% và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4%.
Các thị trường chứng khoán thế giới cũng có một năm không tươi sáng hơn so với thị trường Phố Wall, khi một loạt nhân tố bất ổn như tiến trình Brexit hay vấn đề ngân sách của Italy ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Chỉ số FTSE All-World (chỉ số theo dõi cổ phiếu của 3.100 công ty tại 47 quốc gia trên thế giới) đã giảm 12% trong năm 2018. Đây là “màn trình diễn” tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng là sự đảo chiều mạnh mẽ từ mức tăng gần 25% trong năm 2017.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi đánh giá của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell về triển vọng kinh tế Mỹ và những ngụ ý “bóng gió” về lộ trình lãi suất năm 2019, khi ông Powell tham dự cuộc thảo luận chung vào ngày 4/1 tới với các cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen và Ben Bernanke.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết, lượng vàng mà quỹ nắm giữ đã tăng khoảng 1% lên 795,31 tấn vào thứ Tư (2/1).