Trong khi đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo về triển vọng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tạo sức ép giảm đối với vàng, vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn”.
Kết thúc phiên này, tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay giảm 0,2%, xuống 1.733,74 USD/ounce, sau khi leo lên mức cao nhất hai tuần là 1.755,25 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng hạ 0,1%, xuống 1.731,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với một giỏ gồm các loại tiền tệ chủ chốt khác, đã phục hồi trong phiên này từ mức thấp nhất hai tuần ghi nhận trong phiên trước đó. Stephen Innes, Giám đốc chiến lược của công ty dịch vụ tài chính Axi, nhận định rằng, đồng USD không những phản ứng với việc lợi suất trái phiếu Mỹ tăng (lên mức cao nhất trong hơn 1 năm), mà còn hưng phấn với xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế Mỹ. Theo ông Innes, nếu tình hình kinh tế diễn biến tích cực, và tình hình lạm phát không biến động, thì đó là “tin xấu” đối với thị trường vàng.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) cam kết sẽ tiếp tục các biện pháp kích thích tiền tệ, đồng thời cho biết tình trạng lạm phát tăng đột biến trong ngắn hạn sẽ chỉ là tạm thời, khi nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng mạnh nhất trong gần 40 năm.
Cũng trong phiên này, giá palladium giảm 1,2% xuống 2.650,19 USD/ounce, sau khi tăng 7,3% trong phiên trước. dù vậy, giá kim loại này vẫn đang hướng tới mức tăng gần 12% trong tuần qua, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, do nguồn cung thu hẹp và ngành công nghiệp ô tô đang dần hồi sinh.
Giá bạc đi ngang, đứng ở mức 26,04 USD/ounce, trong khi giá bạch kim hạ 0,2%, xuống 1.204,62 USD/ounce.
Tại Việt Nam, cuối ngày 19/3, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,10 – 55,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).