Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giảm 0,2% xuống 1.764,22 USD/ounce vào lúc 14 giờ 01 phút ngày 18/10 (theo giờ Việt Nam). Trong phiên cuối tuần qua (15/10), giá vàng giao ngay giảm 1,6%. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ phiên chiều 18/10 cũng giảm 0,2% xuống 1.764,70 USD/ounce.
Sức hấp dẫn của vàng giảm khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao và gần chạm mức cao nhất nhiều tháng qua trong phiên cuối tuần qua. Lợi suất trái phiếu đã tăng mạnh trong phiên 15/10 sau khi số liệu thống k cho thấy doanh số bán lẻ tháng 9/2021 của Mỹ bất ngờ đi lên do dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng là đồng USD mạnh lên, điều này khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn cho những nhà đầu tư mua vàng bằng các đồng tiền khác.
Giới đầu tư cũng quan tâm đến số liệu mới đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong quý III vừa qua, giữa lúc tình trạng mất điện và tắc nghẽn nguồn cung ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất.
Vàng vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong giai đoạn lạm phát tăng mặc dù việc giảm quy mô chương trình kích thích kinh tế và nâng lãi suất dẫn tới lợi suất trái phiếu chính phủ tăng khiến chi phí cơ hội khi nhà đầu tư nắm giữ vàng gia tăng.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao về châu Á – Thái Bình Dương Jeffrey Halley thuộc công ty môi giới OANDA (Mỹ) nhận định vàng thiếu động lực để duy trì đà tăng giá, cho dù kim loại quý này có thể đạt ngưỡng 1.800 USD/ounce. Chuyên gia Halley lưu ý rằng giới đầu tư sẽ rót vốn vào vàng khi tăng trưởng kinh tế có thể rơi vào vùng tiêu cực.
Còn trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,1% xuống 23,26 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,7% xuống 1.047,58 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, vào 16 giờ 05 phút, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 57,10 - 57,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).