Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,2% lên 1.797,9 USD/ounce.
Số liệu về tình hình việc làm tốt hơn tại Mỹ dường như cũng không có tác động gì đến thị trường vàng.
Chuyên gia tích cấp cao của Kitco Metals, Jim Wyckoff cho biết các nhà giao dịch và nhà đầu tư cuối cùng cũng nhận ra rằng lạm phát tăng là xu hướng tăng giá của kim loại, cho dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có làm gì đi chăng nữa.
Ông Wyckoff cho biết thêm thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn trong tháng này cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn, như vàng.
Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vẫn khá mong manh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu đã làm dấy lên lo ngại rằng giá cả tăng có thể làm chậm tăng trưởng.
Giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng kỷ lục trong tháng 9/2021 và giá tiêu dùng của Mỹ cũng tăng, làm dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng trung ương có thể rút lại các chương trình kích thích kinh tế sớm hơn dự kiến.
Mặc dù vàng được coi là “nơi trú ẩn an toàn” trong thời kỳ lạm phát, song việc rút lại các chương trình kích thích kinh tế và tăng lãi suất sẽ đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ lên cao, làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Nhà phân tích độc lập Ross Norman nhận định rằng hiện thị trường có thể suy đoán một chút về kế hoạch giảm dần chương trình kích thích kinh tế của Fed, và động thái đó dường như vẫn tích cực với vàng. Giá vàng có thể đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật khoảng 1.800-1.835 USD/ounce.
Biên bản cuộc họp mới nhất của Fed cho thấy thể chế này có thể bắt đầu giảm dần chương trình kích thích vào giữa tháng 11/2021.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,7% lên 23,45 USD/ounce và giá palladium tăng 1,4% lên 2.136,18 USD/ounce. Hai kim loại quý này đều từng chạm mức cao của một tháng trước đó. Giá bạch kim tăng 3,1% lên 1.051,78 USD/ounce.
Tại Việt Nam, đầu giờ sáng ngày 15/10, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 57,30 - 58,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).