Những đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành thu hẹp chương trình kích thích kinh tế và nâng lãi suất đã giúp đồng USD đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 11/10), và khiến giá vàng hạ. Nhà phân tích Edward Moya, tại công ty dịch vụ môi giới OANDA, có trụ sở tại Mỹ cho rằng, sự chi phối của đồng USD đối với giá vàng có thể kéo dài cho đến khi Fed chính thức thông báo thu hẹp quy mô chương trình nới lỏng tiền tệ. Trong khi đó, Phillip Streible, chiến lược gia tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures có trụ sở tại Chicago (Mỹ), cho rằng vàng có thể nhận được hỗ trợ khi một số người lo ngại về tình trạng lạm phát vào thời điểm hiện nay.
Tuy nhiên, giá kim loại quý này đã đảo chiều tăng trong các phiên giao dịch liền sau đó, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2021 và 2022, khiến giới đầu tư có tâm lý tìm về những tài sản an toàn như vàng. Bên cạnh đó, giá vàng thế giới có thêm sự hỗ trợ khi Bộ Lao động Mỹ đưa ra báo cáo hôm 12/10 rằng số việc làm của nước này đã giảm 659.000 xuống 10,4 triệu việc làm vào ngày cuối cùng của tháng Tám.
Đồng USD yếu đi, lợi suất trái phiếu Mỹ thấp và việc Mỹ công bố số liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng cũng hỗ trợ vàng tăng giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới, tăng 0,4% trong tháng Chín và cao hơn so với mức dự báo 0,3% của thị trường trước đó. Trong vòng 12 tháng tính đến hết tháng 9/2021, chỉ số CPI của Mỹ tăng 5,4% so với mức 5,3% của tháng Tám trước đó.
Đáng chú ý, giá vàng thế giới chạm mức cao của một tháng trong phiên ngày 14/10. Chuyên gia phân tích cấp cao của Kitco Metals, Jim Wyckoff cho biết các nhà giao dịch và nhà đầu tư cuối cùng cũng nhận ra rằng lạm phát tăng cùng với xu hướng tăng giá của kim loại, cho dù Fed có làm gì đi chăng nữa.
Ông Wyckoff cho biết thêm thị trường chứng khoán biến động mạnh hơn trong tháng này cũng có thể thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến các kênh đầu tư an toàn, như vàng. Niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường vẫn khá mong manh trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn cầu đã làm dấy lên lo ngại rằng giá cả tăng có thể làm chậm tăng trưởng.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/10, giá vàng lại quay đầu đi xuống, cho dù đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ đều “tuột” khỏi mức đỉnh của nhiều tháng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.794,09 USD/ounce, với mức tăng cả tuần là 2,1%. Trước đó, ngày 14/10, giá vàng này đã chạm đỉnh 1 tháng là 1.800,12 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn hạ 0,1%, xuống 1.795,50 USD/ounce.
Bất chấp quan điểm được chia sẻ rộng rãi rằng thị trường lao động Mỹ đã đủ khỏe mạnh để Fed có thể bắt đầu giảm nhịp độ mua trái phiếu hàng tháng ngay trong tháng tới, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này vẫn có những chia rẽ về quan điểm lạm phát và hành động cần làm đối với nó.
Vào ngày 14/10, ủy ban chỉ đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách toàn cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, tuy nhiên cho rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời và sẽ mất dần khi các nền kinh tế bình thường hóa.
Số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm dưới 300.000 trong tuần trước, lần đầu tiên trong 19 tháng. Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất PPI cho nhu cầu cuối cùng tăng 0,5% trong tháng 9/2021, mức tăng thấp nhất trong chín tháng.
Công ty khai thác mỏ Barrick Gold Corp vào ngày 14/10 cho biết sản lượng vàng quý III đã tăng gần 5% so với quý trước, khi sản lượng tăng vọt tại mỏ Veladero ở Argentina.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 0,4%, xuống 23,45 USD/ounce, song vẫn hướng tới tuần tăng giá mạnh nhất trong 7 tuần qua. Giá bạch kim cũng hạ 0,1%, xuống 1.054,09 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,2%, 2.132,21 USD/ounce.