Vào lúc 1 giờ 18 phút sáng ngày 19/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.758,42 USD/ounce, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 0,3% và đóng phiên ở mức 1.771,2 USD/ounce.
Phiên này, đồng USD đã chạm mức cao nhất trong ba tuần qua, từ đó khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, chiến lược gia về hàng hóa của công ty chứng khoán TD Securities (Mỹ), ông Daniel Ghali, cho biết giá vàng vẫn được nâng đỡ phần nào với sự suy giảm trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ.
Trong khi đó, giới đầu tư vẫn đang xem xét biên bản cuộc họp tháng Bảy của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa được công bố. Biên bản này cho thấy sẽ có thêm nhiều đợt nâng lãi suất nữa, nhưng đồng thời cũng phát đi tín hiệu rằng các quan chức Fed đã bắt đầu thừa nhận rằng họ có nguy cơ đang đi quá xa và kìm hãm hoạt động kinh tế.
Nhưng theo ông Ghali, Fed có thể đẩy lùi quan điểm rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể sắp kết thúc tại Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole sắp tới, vì “còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát”. Bà Mary Daly, Chủ tịch chi nhánh Fed tại San Francisco, cho biết mức tăng lãi suất 50 hoặc 74 điểm cơ bản vào tháng Chín tới sẽ là “hợp lý”.
Ông Carsten Menke, Người đứng đầu công ty nghiên cứu Next Generation Research (Mỹ) cho rằng giả sử Fed có thể chống lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái, nhu cầu với các loại tài sản trú ẩn an toàn như vàng sẽ giảm xuống hơn nữa, từ đó đẩy giá vàng giảm dần trong trung hạn đến dài hạn.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,7% xuống 19,513 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,2% xuống 912,88 USD/ounce.
Trong khi đó, tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 19/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,20 - 67,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).