Cuối phiên này, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 1,2%, xuống mức 2.003,89 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 13/12/2023. Giá kim loại quý này đã giảm 1,3% trong phiên trước đó, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 4/12/2023.
Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 1,2%, ở mức 2.006,5 USD/ounce.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến trong tháng 12 vừa qua, giúp nền kinh tế số 1 thế giới vững bước vào năm mới.
Đồng USD neo quanh mức cao nhất trong một tháng sau dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực. Trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng.
Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures cho biết: “Thị trường đang hoài nghi về việc cắt giảm lãi suất sớm của Fed, điều này đang gây áp lực lên giá vàng. Với việc đồng USD mạnh lên và việc cắt giảm lãi suất cần có thời gian, vàng khó có thể giữ được đà tăng”. Tuy nhiên, theo ông Haberkorn, rủi ro địa chính trị sẽ tiếp tục tạo cơ sở cho giá vàng và giữ chúng quanh mức 2.000 USD/ounce.
Thống đốc Fed Christopher Waller hôm 16/1 nói rằng ngân hàng này không nên vội vàng cắt giảm lãi suất cho đến khi lạm phát thấp hơn có thể được duy trì.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang đặt cược khoảng 53% khả năng xảy ra việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 3/2024.
Cùng ngày, giá bạc giao ngay giảm 1,7% xuống 22,52 USD/ounce và giá bạch kim giảm 1,3% xuống 883,02 USD/ounce. Giá palladium cũng mất 2,1% xuống còn 916,82 USD/ounce, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2018.
Các nhà phân tích cho biết, tốc độ bạch kim thay thế palladium trong sản xuất chất xúc tác tự động đang chậm lại do các kim loại này đang tiến gần đến mức giá tương đương.
Tại Việt Nam, sáng sớm ngày 18/1, Công ty Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 73,70 - 76,22 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).