Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.214,79 USD/ounce sau khi có lúc vọt lên 1.216,27 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 9/11 vào đầu phiên. Chốt phiên này, giá vàng Mỹ giao dịch kỳ hạn tăng 4,9 USD (0,4%) lên đóng cửa ở mức 1.215 USD/ounce.
Nhà giao dịch Michael Matousek, thuộc U.S. Global Investors, nhận định sự thiếu chắc chắn xung quanh vấn đề Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) là yếu tố lớn nhất tác động đến thị trường hiện nay. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư đang tìm đến các tài sản an toàn như vàng, dầu mỏ và cả đồng USD. Nhà giao dịch Matousek dự báo nếu vàng giữ được trên mốc 1.209 USD/ounce, giá kim loại quý này có thể tăng lên 1.235 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá palladium tăng hơn 4% và chạm mức cao kỷ lục 1.178,30 USD/ounce, nhờ nhu cầu gia tăng đối với kim loại này (được dùng trong sản xuất động cơ giúp làm giảm lượng khí phát thải và xe điện tại châu Âu và Trung Quốc). Trong lúc giá bạc tăng 1,3% lên 14,31 USD/ounce, còn giá bạch kim tăng 1,1% lên 843,50 USD/ounce.
*Giá dầu thế giới đi lên phiên thứ hai liên tiếp trong ngày giao dịch 15/11 khi dự trữ nhiên liệu tại Mỹ giảm và khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá “vàng đen”.
Chốt phiên này tại New York, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,50 USD lên 66,62 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,21 USD lên 56,46 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày 13/11, giá dầu Mỹ đã ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất tính theo ngày trong hơn ba năm qua, do những lo ngại về nhu cầu dầu thế giới suy giảm và tình trạng dư cung đang diễn ra. Dầu WTI cũng ghi dấu chuỗi sụt giảm 12 phiên liên tiếp.
Số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô tại nước này đã tăng thêm 10,3 triệu thùng trong tuần trước, mức tăng nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 2/2017 và con số này cũng cao hơn so với dự báo tăng 3,2 triệu thùng mà các chuyên gia phân tích của hãng Reuters đưa ra. Tuy nhiên, dự trữ xăng lại giảm 1,4 triệu thùng.
OPEC, dẫn dầu là Saudi Arabia, đang cân nhắc cắt giảm tới 1,4 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2019 để ngăn chặn khả năng dự trữ dầu trên thế giới đầy lên, vốn từng tác động mạnh đến giá dầu hồi năm 2014-2016. Trước đó, hãng Reuters trích nguồn tin từ Nga cho hay nước này muốn đứng ngoài kế hoạch cắt giảm sản lượng mà do một số đối tác trong OPEC đề xướng.
Theo số liệu IEA, giá dầu đã mất 25% giá trị chỉ trong sáu tuần do sức ép từ tình hình kinh tế toàn cầu tăng chậm lại và sản lượng dầu tại Mỹ cũng như một số nước khác gia tăng. Sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục 11,7 triệu thùng/ngày.