Các thỏi vàng được trưng bày tại cửa hàng kim hoàn Ginza Tanaka ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cụ thể, tại New York vào lúc 1 giờ 32 phút sáng 11/7 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,07% lên 1.213,61 USD/ounce, sau khi đã có thời điểm rơi xuống 1.204,45 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 15/3. Trong lúc giá vàng Mỹ giao tháng Tám tăng 3,5 USD, hay 0,29%, và chốt phiên ở mức 1.213,20 USD/ounce.
Giới đầu tư đang hướng sự chú ý tới bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen trước Quốc hội vào các ngày 12-13/7 tới. Giá vàng khá nhạy cảm với các động thái tăng lãi suất, do lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí của việc nắm giữ vàng, đồng thời làm đồng USD tăng giá khiến kim loại quý này trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Thị trường đang trông đợi động thái thắt chặt tiền tệ từ nhiều ngân hàng trung ương, nhờ được hỗ trợ bởi số liệu việc làm của Mỹ tốt hơn dự đoán và hoạt động xuất khẩu mạnh của Đức.
Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng mà quỹ này nắm giữ đã giảm 2% trong tuần kết thúc vào ngày 7/7.
Cùng phiên, giá bạc giao ngay tăng 0,45% lên 15,65 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,47% xuống còn 899,25 USD/ounce.
Trong phiên giao dịch ngày 10/7, giá dầu thế giới tăng nhẹ sau khi giảm trong tuần vừa qua. Hoạt động khoan dầu mỏ gia tăng ở Mỹ và tình trạng không chắc chắn về sản lượng khai thác ở Libya và Nigeria đã và đang ảnh hưởng đến tình hình nguồn cung "vàng đen" trong tương lai.
Trong phiên này tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2017 tăng 0,17 USD lên 44,40 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent giao tháng 9/2017 cũng tăng 0,17 USD lên 46,88 USD/thùng.
Giá dầu thế giới chịu sức ép khá lớn trong tuần trước khi mà số liệu mới công bố cho thấy sản lượng dầu thô ở Mỹ tăng lên. Công ty dịch vụ dầu mỏ Baker Hughes vừa cho biết số lượng giàn khoan đang hoạt động ở Mỹ trong tuần trước đã tăng thêm bảy giàn lên 763 giàn khoan, con số cao nhất kể từ tháng 4/2015.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù giá dầu thô đảo chiều tăng trở lại trong phiên đầu tuần này nhưng giới đầu tư vẫn quan ngại về hoạt động khai thác dầu thô gia tăng ở Mỹ, bởi điều đó sẽ làm giảm tác dụng của thỏa thuận cắt giảm sản lượng mà các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đang nỗ lực thực hiện.
Thị trường chứng khoán thế giới phần lớn đi lên trong phiên ngày 10/7, trước thềm phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen và báo cáo doanh thu quý II của các doanh nghiệp trong vài ngày tới.
Cuối phiên giao dịch này, tại New York (Mỹ), chỉ số S&P 500 nhích 0,1% lên 2.427,43 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng thêm 0,4% lên 6.176,39 điểm. Trong lúc chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm khoảng 0,1% xuống 21.408,52 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,3% lên 7.370,03 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cộng thêm 0,5% lên 12.445,92 điểm và chỉ số CAC 40 ở thị trường Paris (Pháp) tăng 0,4% lên 5.165,64 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,4% lên 3.478,06 điểm.
Giới phân tích nhận định các nhà đầu tư đã phấn chấn hơn sau báo cáo về việc làm khả quan của Mỹ được công bố ngày 7/6 tuần trước. Báo cáo này cũng giúp đẩy giá đồng USD tăng nhẹ so với các đồng tiền lớn khác với 1 USD đổi được 114,07 yen, so với mức 113,91 yen/USD trước đó.
Chuyên gia phân tích Konstantinos Anthis thuộc ADS Securities cho hay báo cáo việc làm của Mỹ chắc sẽ góp phần củng cố quan điểm của Fed về việc nâng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Ngoài ra, thị trường cũng đang hướng sự chú ý vào các sự kiện chính sẽ diễn ra vào cuối tuần này như phiên điều trần của Chủ tịch Fed Yellen trước Quốc hội về triển vọng kinh tế Mỹ và báo cáo doanh thu quý II của các doanh nghiệp.