Tại Mỹ, giá vàng giao ngay có thời điểm tăng 0,2% lên 1.265,4 USD/ounce sau khi có lúc rơi xuống mức thấp nhất kể từ 19/12/2017 là 1.206,84 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 8/2018 đóng phiên ở mức 1.270,50 USD/ounce.
Vàng miếng tại một cửa hàng ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chuyên gia Dan Pavilonis, thuộc RJO Futures, nhận định giá vàng bắt đầu phục hồi, khi đồng USD suy yếu. Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được hỗ trợ từ hoạt động mua vào vàng của Nga. Theo chuyên gia Dan Pavilonis, một số nguồn tin tiết lộ trong hai tuần qua Nga đã tăng cường mua vào vàng và bán ra trái phiếu Chính phủ Mỹ.
George Gero, Phó Chủ tịch RBC Capital Markets, cho rằng Nga đang nỗ lực tăng giá đồng nội tệ, trước sự đi xuống của giá dầu. Thêm vào đó, Nga cũng là một nhà sản xuất vàng lớn và nước này đang tiến hành ổn định thị trường.
Tuy nhiên, giới quan sát cho biết lượng vàng do các quỹ giao dịch tại Mỹ nắm giữ đang sụt giảm kể từ tháng Tư. Nhà phân tích Julius Baer thuộc Carsten Menke đánh giá rằng các nhà đầu tư đang tập trung vào đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ hơn là mối đe dọa từ quan hệ thương mại căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU), giữa bối cảnh chi tiêu tiêu dùng trong nước vẫn là động lực chính của nền kinh tế.
* Chứng khoán Mỹ đồng loạt đi xuống
Khép phiên giao dịch 21/6, ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều giảm điểm. Đáng chú ý, chỉ số Dow Jones đi xuống phiên thứ tám liên tiếp do các lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại và cổ phiếu của các nhà chế tạo ô tô mất giá sau lời cảnh báo về lợi nhuận của hãng chế tạo ô tô Đức Daimler liên quan đến các mức thuế Trung Quốc áp đặt với hàng hóa Mỹ.
Đóng phiên này, chỉ số Dow Jones, gồm các mã cổ phiếu blue chip của nhiều công ty được xem là dễ bị tổn thương bởi một cuộc chiến thương mại, hạ 0,8% xuống 24.461,7 điểm. Chỉ số S&P khép phiên này giảm 0,6% xuống 2.749,76 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq hạ 0,9% xuống 7.712,95 điểm.
Các hãng chế tạo ô tô cảm thấy “khó khăn” sau khi Daimler ngày 20/6 hạ dự đoán lợi nhuận năm 2018 do lo ngại về các mức thuế mới mà Trung Quốc áp đặt với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Daimler, sở hữu các nhà máy lớn tại Mỹ xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc, hiện phải đối mặt với các mức thuế nhập khẩu cao mà Bắc Kinh lên kế hoạch áp đặt đối với hàng hóa của Mỹ, trong đó có ô tô, nhằm đáp trả hành động Washington trước đó đưa ra danh sách các mặt hàng có tổng trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25% với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Giá cổ phiếu của General Motors giảm 2%, giá cổ phiếu của Ford giảm 1,4% trong khi giá cổ phiếu của Tesla Motors sụt 4,1%.
Karl Haeling thuộc LBBW nhận định nền kinh tế Mỹ được cho là khỏe hơn các nền kinh tế đối tác của nước này song cảnh báo của Daimler làm dấy lên vấn đề về một ảnh hưởng tiêu cực của “bước đi” của thuế đối với nền kinh tế Mỹ.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THXX/TTXVN
|
Giá cổ phiếu của các nhà bán lẻ trực tuyến Mỹ phiên này đi xuống sau khi Tòa án Tối cao Mỹ ra quyết định các bang của nước này có quyền để đánh thuế các loại hàng hóa và dịch vụ được bán trực tuyến. Cổ phiếu của Amazon hạ 1,1% giá trị, cổ phiếu của eBay giảm 3,2% giá trị.
Một diễn biến đáng chú ý khác trong phiên này là cổ phiếu của “ông trùm” công nghệ Intel phản ứng tiêu cực với mức giảm 2,4% sau khi Giám đốc điều hành (CEO) hãng Brian Krzanich từ chức vì vi phạm quy định của công ty.