Giải ngân đầu tư công ‘ì ạch’, thúc nhanh để duy trì đà tăng trưởng

Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính, tình hình giải ngân vốn đầu tư công qua gần nửa năm vẫn chậm. Tính đến hết ngày 31/5, giải ngân của các bộ, ngành, địa phương ước tính chỉ hơn 122.241 tỷ đồng, chỉ đạt gần 26% kế hoạch năm.

Chú thích ảnh
Các đốt hầm nhánh N2 thuộc nút giao thông An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh) được thi công trở lại và dự kiến thông hầm vào cuối tháng 7/2020. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN.

“Nếu vốn đầu tư công tăng thêm một điểm phần trăm sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm; vốn khu vực ngoài Nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm; đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm”, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Trong tổng vốn giải ngân của 5 tháng đầu năm nay, vốn trong nước đã giải ngân hơn 114.819 tỷ đồng (đạt 27,96% kế hoạch), vốn nước ngoài là 7.421 tỷ đồng (đạt 12,37% kế hoạch).

Theo Bộ Tài chính, có 7 bộ, ngành và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Trong đó, có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 40% gồm: Hội Nhà văn Việt Nam (93,59%), Ngân hàng Phát triển (61,09%), Kiểm toán Nhà nước (43,14%), Ninh Bình (66,6%), Hưng Yên (50,07%), Thái Bình (48,4%), Bắc Giang (47,61%), Nghệ An (43,22%), Nam Định (35,80%).
Có 34 bộ, cơ quan trung ương và 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Trong đó, có 18 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%.

Nhiều bộ, cơ quan Trung ương vẫn “dậm chân tại chỗ” giải ngân không cải thiện so với tháng trước. Nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng vốn nào, như: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam..

Năm nay, lượng vốn cần giải ngân cao gấp hơn 2 lần so với năm ngoái. Như vậy, còn lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân là hơn 577.000 tỷ đồng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. “Năm 2020, với tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được phép thực hiện là gần 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019, công tác giải ngân là thách thức lớn. Bộ Tài chính mới đây cam kết đảm bảo đủ nguồn đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo tiến độ giải ngân nhiệm vụ đầu tư công cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý”, ông Nguyễn Minh Phong nói. 

Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, vấn đề còn lại nằm ở khâu tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút, việc phấn đấu giải ngân hết nguồn lực đầu tư công trong năm 2020 sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Đề cập về giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước - NSNN (tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN chiếm trên 82% tổng vốn đầu tư công) cải thiện hơn, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn, Tổng cục Thống kê cho hay: Nếu như cùng kỳ năm 2019, giải ngân vốn đầu tư từ NSNN chỉ tăng 4,2% thì 5 tháng đầu năm nay tăng tới 15,6% - mức tăng kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Điều này có được là nhờ kiểm soát được dịch COVID-19 nên hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ trở lại trạng thái bình thường mà còn đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

“Trong bối cảnh các đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam đang phải căng mình chống COVID-19, hoạt động giao thương, đi lại giữa Việt Nam và các nước vẫn gần như bị đóng băng khiến nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị tác động tiêu cực thì việc tăng được vốn đầu tư từ NSNN là đầu tàu dẫn dắt tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020. Do vậy, đẩy nhanh được vốn đầu tư từ NSNN chính là đòn bẩy tác động tích cực đến tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng và tăng trưởng GDP”, ông Nguyễn Việt Phong Phong nói.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung hết kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các bộ, ngành địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020.

Đối với các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị cần khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch năm 2020 còn lại chưa phân bổ theo quy định. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm các trường hợp làm chậm, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy đầu tư công, các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm theo dõi xuyên suốt tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công để tháo gỡ khó khăn từng trường hợp cụ thể, nhất là các dự án liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và các dự án sử dụng vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án đầu tư công
Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án đầu tư công

Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các dự án đầu tư công năm 2020 do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN